“Mục đích là mở rộng diện lựa chọn, thay vì chỉ giới hạn tiêu chí ở học vấn và tuổi tác như trước đây. Mỗi năm có khoảng 90 cặp vợ chồng kết hôn nhờ phương pháp này”, Kyodo News dẫn lời ông Iwamaru Hirotake, cố vấn của trung tâm, cho biết.

Bên cạnh việc áp dụng mô hình tương tự như trên, tỉnh Saitama nằm trên đảo Honshu thuộc vùng Kanto của Nhật Bản còn có một hệ thống AI khác từ năm 2018, giúp 139 cặp đôi lập gia đình tính đến cuối năm ngoái. Cụ thể, với việc đưa cho người dùng trả lời hơn 100 câu hỏi, hệ thống sẽ phân tích những phẩm chất mà một người đang tìm kiếm ở một bạn đời tiềm năng và ngược lại trước khi kết nối họ với nhau. Theo Kyodo News, một số người thừa nhận rằng “ông tơ, bà nguyệt AI” đã giúp họ gặp người mà có thể họ không tự tìm được, trong khi giới chức địa phương nhấn mạnh hệ thống này đang xe duyên cho ngày càng nhiều người dân.

leftcenterrightdel
Đám cưới của một cặp đôi ở Nhật Bản. Ảnh: Tsunagu Local 

Không chỉ riêng Ehime hay Saitama, theo cơ quan phụ trách vấn đề gia đình và trẻ em thuộc Chính phủ Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3-2023, có 31 trong số 47 tỉnh tại nước này đã cung cấp dịch vụ mai mối sử dụng AI trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân xứ mặt trời mọc có xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn.

Theo số liệu do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố mới đây, nước này đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm ở mức báo động. Theo đó, tỷ lệ người cao tuổi-được xác định là từ 65 tuổi trở lên-hiện chiếm 29,1% dân số, mức cao kỷ lục tại nước này và cũng là tỷ lệ cao nhất thế giới. Dân số Nhật Bản cũng giảm liên tục kể từ khi nước này bước vào giai đoạn bùng nổ kinh tế thập niên 1980, với tỷ lệ sinh chỉ còn 1,3 ca sinh/1 phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định trong trường hợp không có người nhập cư.

TÙNG QUÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.