Reuters cho hay, quyết định chặn người dùng ở Canada bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8 và sẽ được triển khai trong vài tuần tới. Đây được cho là động thái nhằm đáp trả việc Quốc hội Canada thông qua Đạo luật Tin tức trực tuyến, theo đó, các tập đoàn công nghệ như Meta và Alphabet (công ty mẹ của Google) phải trả tiền cho các hãng tin để đăng tải bài viết trên nền tảng của mình. Theo tính toán của Ottawa, đạo luật mới-sẽ có hiệu lực trước cuối năm nay-có thể giúp các cơ quan truyền thông Canada thu được khoảng 330 triệu CAD (250 triệu USD) mỗi năm từ các nền tảng số, trong bối cảnh ngành truyền thông nước này đang lâm vào tình trạng khó khăn khi hàng trăm ấn phẩm phải dừng phát hành trong thập niên qua.

leftcenterrightdel

Biển hiệu bên ngoài trụ sở chính của Meta Platforms tại Menlo Park (California, Mỹ). Ảnh: AP 

Đạo luật là một phần trong xu hướng toàn cầu rộng lớn của các chính phủ nhằm buộc các tập đoàn công nghệ trả tiền cho việc sử dụng tin tức. Còn nhớ năm 2021, Australia là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố bộ quy tắc thương lượng truyền thông buộc Google và Facebook trả tiền cho việc sử dụng tin tức trên các nền tảng của họ. Khi đó, cả Google và Facebook đã phản ứng bằng cách đe dọa cắt giảm các dịch vụ tại Australia. Tuy nhiên, vụ việc đã được giải quyết êm thấm sau khi các bên đạt được thỏa thuận và Canberra đồng ý sửa đổi bộ quy tắc nói trên.

Đối với Đạo luật Tin tức của Canada lần này, gã khổng lồ Meta cho rằng còn nhiều thiếu sót và dựa trên “giả thuyết không chính xác về việc Meta được hưởng lợi không công bằng từ nội dung tin tức được chia sẻ trên nền tảng”. Theo Meta, chính các hãng tin Canada mới là đối tượng hưởng lợi từ việc chia sẻ tin tức trên Facebook và Instagram, bởi nhờ đó, họ có thể thu hút độc giả, gia tăng lợi nhuận. “Các hãng tin tự nguyện chia sẻ nội dung trên Facebook và Instagram để mở rộng đối tượng và giúp gia tăng lợi nhuận cho họ... Chúng tôi biết rõ rằng mọi người sử dụng Facebook và Instagram không phải chỉ để đọc tin tức”, bà Rachel Curran, người đứng đầu bộ phận chính sách công của Meta tại Canada nói với Reuters.

leftcenterrightdel

Đạo luật Tin tức trực tuyến của Canada buộc Facebook và Instagram chia sẻ doanh thu với các cơ quan truyền thông Canada. (Ảnh minh họa). Ảnh: Getty Images 

Phản ứng trước quyết định chặn người dùng Facebook và Instagram ở Canada, Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge, người phụ trách các giao dịch của chính phủ với Meta chỉ trích động thái này là vô trách nhiệm: “Meta thà chặn người dùng truy cập tin tức trong nước thay vì trả thù lao xứng đáng cho các đơn vị sản xuất tin tức”. Bà St-Onge khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững lập trường. Rốt cuộc, nếu Chính phủ Canada không đứng ra bảo vệ người dân của mình chống lại sự lạm dụng của những gã khổng lồ công nghệ, thì ai sẽ làm điều đó?”.

Theo trang tin The Globe And Mail, giới truyền thông Canada cũng lên án động thái của Meta là vô trách nhiệm và cáo buộc đó là "sự lạm dụng quyền lực thị trường", đồng thời kêu gọi Meta khôi phục quyền truy cập cho người dùng ở Canada. Ông Paul Deegan, Chủ tịch News Media Canada cho biết, hành động "quá khích" này của Meta sẽ gây hại cho trải nghiệm của người dùng Canada và làm mất đi giá trị của Facebook: “Nếu không có quyền truy cập vào những tin tức thực tế dựa trên sự thật do các nhà báo thực thụ tạo ra, Facebook sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều đối với người dùng và các nhà quảng cáo... Chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp rút quảng cáo khỏi nền tảng Facebook như một phản ứng đáp lại động thái đơn phương, phi dân chủ và vô lý này”. Trên thực tế, Chính phủ Canada và một số công ty của nước này đã chấm dứt hợp đồng quảng cáo với Meta sau khi gã khổng lồ công nghệ chạy thử nghiệm hạn chế người dùng Facebook và Instagram ở Canada hồi tháng 6.

Ottawa nhấn mạnh, Đạo luật Tin tức tạo ra sân chơi bình đẳng giữa những gã khổng lồ công nghệ và ngành công nghiệp tin tức trong nước đang bị thu hẹp. Số liệu thống kê cho thấy, kể từ năm 2008, gần 500 cơ quan truyền thông ở 335 cộng đồng trên khắp Canada đã đóng cửa, hơn 20.000 nhà báo mất việc làm, trong khi Google và Facebook tiếp tục thu về hàng tỷ USD tiền quảng cáo. “Google và Facebook kiếm được 80% tổng doanh thu quảng cáo trên nền tảng số ở Canada. Trong khi đó, hàng trăm tòa soạn đã đóng cửa... Một nền báo chí tự do và độc lập là nền tảng cho nền dân chủ của chúng ta và người Canada yêu cầu các tập đoàn công nghệ tuân thủ luật pháp Canada”, Bộ trưởng Di sản Pascale St-Onge khẳng định.  

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.