Đa số các nhà sử học đều coi việc Hitler điều toàn bộ những sư đoàn tăng thiết giáp mạnh nhất còn lại của mình vào trận vòng cung Kursk là kết quả của tầm nhìn hạn chế về chiến lược, hoặc là do hắn không muốn chấp nhận thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, hồi ký của Rudolf von Ribbentrop có thể hé mở bức màn bí ẩn này.
Nỗ lực của Ribbentrop
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Quốc xã Joachim von Ribbentrop là một trong những kẻ bị xử tử theo phán quyết của Tòa án quốc tế Nurnberg. Con trai cả của ông ta là Rudolf von Ribbentrop từng phục vụ trong Binh chủng xe tăng của Lực lượng SS, chiến đấu trên mặt trận phía Đông và tham gia trận quan trọng tại khu vực Prokhorovka. Năm 2013, Ribbentrop “con” ra mắt cuốn sách “Bố tôi là Joachim von Ribbentrop: Những thử thách và suy ngẫm”. Cuốn sách đã ngay lập tức trở thành ấn phẩm bán chạy nhất nói về Chiến tranh thế giới lần thứ hai và được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Tại Nga, nó được xuất bản với nhan đề “Bố tôi là Joachim von Ribbentrop: Đừng bao giờ chống lại nước Nga!”. Với nhan đề này, các dịch giả và nhà xuất bản muốn làm nổi bật việc Ribbentrop “cha” từng rụt rè chống lại ý đồ của Hitler tấn công Liên Xô.
Cuốn sách này, cũng như những ghi chép khi ở tù của chính Ribbentrop “cha”, đã cho người đọc có cảm tưởng rằng, ông ta từng nhiều lần cố gắng thuyết phục Adolf Hitler đình chiến với nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Những ghi chép có đề cập đến một trong những nỗ lực của ông ta có liên quan đến tháng 8-1943, tức là thời gian sau khi quân Đức thất bại trong trận vòng cung Kursk. Còn trong cuốn sách của mình, Ribbentrop khẳng định rằng, nỗ lực đó diễn ra vào mùa xuân năm 1943.
Theo lời Ribbentrop “con”, bố của anh ta cho rằng, thắng lợi trong cuộc phản công diễn ra tại Kharkov vào tháng 3-1943 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm dò ý định của Stalin. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Quốc xã khi đó đã cố gắng thuyết phục Hitler cho phép ông ta thực hiện những bước đi thích hợp thông qua các nước trung lập.
Nỗ lực đầu tiên được ông ta thực hiện là vào tháng 11-1942. Khi đó Mỹ và Anh đã đưa quân đổ bộ vào Bắc Phi, còn quân đội Đức đã có mặt trên sông Volga và gần khu vực Kavkaz. Lúc này, Đức Quốc xã đang ở đỉnh cao thành quả trong cuộc chiến. Tuy nhiên, chính vì vậy mà Hitler nhất quyết khước từ đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Ribbentrop, bởi hắn cho rằng, vị thế của Đệ Tam Đế chế chưa bao giờ vững chắc như vậy và hứa hẹn sẽ giành nhiều thắng lợi hơn nữa. Thế nhưng vài ngày sau, Tập đoàn quân số 6 của Đức đã rơi vào vòng vây trong trận Stalingrad.
 |
Binh sĩ Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ số 5 của Liên Xô tấn công trong trận vòng cung Kursk tại khu vực Prokhorovka, tháng 7-1943. Ảnh: RIA Novosti/Ivan Shagin |
Ribbentrop “cha” một mực cố gắng đưa ra những đề xuất hòa bình với Moskva nhưng bị khước từ. Việc này đã được Đại sứ CHLB Đức tại Liên Xô Horst Grapper kể lại cho Ribbentrop “con”. Hitler muốn tiến hành chiến dịch “Thành trì” nhằm giành thế chủ động hơn trước khi đề xuất nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin hòa hoãn.
Đức tính chia rẽ đối phương
Chiến dịch “Thành trì” ngay từ đầu đã được lên kế hoạch với mục tiêu giới hạn. Nếu Hitler không thể buộc Liên Xô đầu hàng trong năm 1941 hoặc 1942, thì hắn càng không thể làm được điều đó trong năm 1943. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ribbentrop cho rằng, lúc này Đức đã xuất hiện một con át chủ bài mới.
Ban lãnh đạo Đức Quốc xã ôm hy vọng ảo tưởng cuối cùng vào việc, chúng sẽ không phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những tội ác của mình. Chúng mong đến mùa xuân năm 1945 sẽ chia rẽ được Liên Xô và các đồng minh phương Tây. Quân phát xít cố gắng thăm dò tình hình ở phía Tây lẫn phía Đông, lấy “mối nguy Liên Xô” ra để đe dọa Mỹ và Anh. Đúng hệt như việc chúng từng dọa các nhà lãnh đạo Liên Xô bằng nguy cơ tăng cường sức mạnh của Mỹ, khi nhắc đến giai đoạn từ tháng 9-1939 đến tháng 6-1941, Đức và Liên Xô đã từng kết bằng hữu và hiện cũng có thể hữu hảo trở lại.
Trận vòng cung Kursk đã kết thúc thất bại đối với Đức Quốc xã. Quy nhiên, có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu quân Đức giành chiến thắng? Liệu khi đó Stalin có chấp nhận đề nghị hòa bình của Hitler không?
Stalin sẽ không thỏa thuận sau thất bại cục bộ
Vấn đề về việc tìm kiếm cơ sở để đàm phán hòa bình trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại giữa Liên Xô và Đức có lẽ còn lâu nữa sẽ không được làm rõ hoàn toàn, do tính bảo mật của nguồn thông tin. Có thông tin cho rằng, vào mùa thu năm 1941 và tháng 3-1942, Stalin từng có ý định bắt đầu những cuộc đàm phán như vậy. Tuy nhiên, khi đó chính Hitler không sẵn sàng thảo luận bất kỳ điều kiện nào.
Theo dự kiến, tháng 7-1943 quân Đức sẽ chia cắt và tiêu diệt quân đội Liên Xô đang chiếm giữ vòng cung Kursk. Rõ ràng điều này không thể làm thất bại mặt trận Liên Xô. Bởi lẽ, phát xít Đức dù sao cũng không thể tiếp tục triển khai phản công quy mô lớn như đã từng làm trong năm 1941 hay 1942 được nữa. Và chúng cũng không có kế hoạch làm điều đó. Vậy Stalin sẽ thảo luận những đề xuất hòa bình nào đó của Hitler không?
Giả sử nếu bị thất bại trong trận vòng cung Kursk, thì đó cũng chỉ là thất bại mang tính cục bộ đối với quân đội Liên Xô. Nó có thể làm chậm, nhưng tuyệt nhiên không thể dừng bước tiến thắng lợi của Hồng quân. Stalin rất rõ điều này. Vậy trong trường hợp đó, nhà lãnh đạo Liên Xô cần ký kết hiệp ước hòa bình riêng rẽ với Hitler, rồi để cho hắn đẩy Mỹ và Anh ra khỏi châu Âu để làm gì? Không lẽ để rồi sau đó hắn lại tấn công Liên Xô, khi Liên Xô không còn đồng minh nữa?
Tại Hội nghị “Bộ Tam” diễn ra ở Tehran vào tháng 11-1943, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã đề nghị Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill không đẩy sự phản kháng của quân Đức đến bước đường cùng, mà chỉ ra điều kiện cho chúng đầu hàng từng bước như trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Theo đó, Stalin đề cập đến việc đưa ra cho Đức những yêu cầu đã được tất cả các nước đồng minh thống nhất. Trong tình huống này, tuyệt nhiên không nói đến thỏa thuận hòa bình riêng rẽ. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Liên Xô đề xuất việc Đức đầu hàng, đầu hàng hoàn toàn hoặc đầu hàng từng bước. Chỉ với những điều kiện đó thì Stalin mới chấp nhận thỏa hiệp với Đức Quốc xã.
Cho rằng, dường như Stalin có thể đồng ý đàm phán hòa bình sau trận Kharkov hoặc Kursk, nên cả Ribbentrop và Hitler đều cùng tự an ủi mình bằng những ước mơ viển vông. Khi phát động chiến tranh với Liên Xô, phát xít Đức chỉ có thể tiêu diệt đối phương hoặc chính mình bỏ mạng. Còn phương án thứ ba thì bị chúng loại trừ.
QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)