Theo bài viết, đến năm 2019, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã mất quyền kiểm soát đối với toàn bộ khu vực lãnh thổ từng chiếm đóng tại Iraq và Syria. Từ đó đến nay, 4 thủ lĩnh cấp cao của IS đã bị tiêu diệt trong các chiến dịch chống khủng bố. Mặc dù vậy, điều đó không đồng nghĩa là IS chấp nhận cúi đầu. Sức hút từ cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” (caliphate) mà IS “về cơ bản từng đạt được” vẫn là động lực thôi thúc các tay súng IS.
Khoảng 10.000 tay súng IS và 50.000 người có liên quan, trong đó có thân nhân các tay súng, hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Syria. Những đối tượng này không được hồi hương vì nhiều quốc gia-nơi mà các tay súng IS đã rời bỏ để gia nhập hàng ngũ tổ chức khủng bố-lo ngại nguy cơ “nhập khẩu” chủ nghĩa cực đoan bạo lực. “Một cuộc vượt ngục quy mô lớn có thể là chất xúc tác cho sự hồi sinh của “đội quân khủng bố” lớn nhất và giàu nhất thế giới-vốn từng chiếm đóng lãnh thổ trong một vài năm tại hai quốc gia có chủ quyền”, bài viết nhấn mạnh.
 |
Hiện trường vụ đánh bom kép tại thành phố Kerman, Đông Nam Iran hồi đầu tháng 1-2024. Ảnh: Getty Images |
Hiện nay, IS vẫn hoạt động mạnh, nhất là thông qua các nhánh của tổ chức khủng bố này bên ngoài Iraq và Syria, từ Afghanistan, Pakistan cho đến nhiều quốc gia châu Phi. Những gì mà các nhánh IS tại châu Phi đạt được từng khiến không ít người tưởng rằng nơi đây đã trở thành trung tâm toàn cầu của phong trào thánh chiến Hồi giáo. Thế nhưng, các cuộc tấn công gây rúng động thời gian qua của IS-K, một nhánh của IS tại Afghanistan, mới thực sự thể hiện rõ mưu đồ của chúng. IS-K đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ tấn công tại sân bay Kabul đúng lúc lực lượng Mỹ đang rút khỏi Afghanistan hồi cuối tháng 8-2021 hay vụ đánh bom kép tại thành phố Kerman, Đông Nam Iran hồi đầu tháng 1-2024 khiến gần 100 người thiệt mạng. Gần đây nhất, IS-K còn nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công nhằm vào khán phòng hòa nhạc trong trung tâm mua sắm và biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moscow của Nga hôm 22-3, cướp đi sinh mạng của hơn 140 người. IS-K cũng được cho là dính líu tới những âm mưu khủng bố bất thành khác tại một số quốc gia châu Âu.
Trong khi đó, al-Qaeda, vốn từng là “cái tên khét tiếng nhất trong chủ nghĩa khủng bố hiện đại”, giờ đây chỉ còn là “cái bóng của chính mình” sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Theo bài viết, tuy rằng mối đe dọa toàn cầu mà al-Qaeda gây ra “không còn được như thời gian đầu sau sự kiện 11-9-2001”, al-Qaeda vẫn đang tìm cách hồi sinh thông qua mạng lưới các chi nhánh trên khắp thế giới, cạnh tranh với IS về năng lực tài chính, chiến binh và thanh thế. Đơn cử như nhóm Hồi giáo cực đoan al-Shabab ở Đông Phi, vốn được Mỹ xác định là một trong những nhánh nguy hiểm nhất của al-Qaeda, đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại khu vực.
Bài viết nêu rõ, mối đe dọa khủng bố toàn cầu vẫn hiện hữu và có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Các hành động khủng bố có thể được tiến hành bằng nguồn lực hạn chế, chi phí tối thiểu nhưng “mang lại kết quả quan trọng” cho IS hay al-Qaeda. Những vụ tấn công thời gian qua đã chứng tỏ khả năng phô trương thanh thế quốc tế, đồng thời cho thấy những kẻ cực đoan bạo lực tiếp tục nuôi tham vọng. “Trong khi dư luận cho rằng mối đe dọa khủng bố toàn cầu nhìn chung đã suy giảm những năm gần đây, chủ nghĩa khủng bố hoặc vẫn âm ỉ, hoặc bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng chính trị, sắc tộc leo thang, chủ nghĩa cực đoan bạo lực có thể lan rộng... Để hạn chế các nhóm khủng bố có cơ hội tồn tại và trỗi dậy, cần có sức ép liên tục từ các chiến dịch chống khủng bố vốn đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, các công cụ pháp lý, tình báo, quân sự, tài chính và thông tin. Tuy nhiên, điều này là rất khó xét tới bối cảnh các cuộc xung đột, bất đồng chính trị, cạnh tranh cường quốc hiện nay”, bài viết khẳng định.
HOÀNG VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.