Trường học đóng cửa, cô con gái 2 tuổi của Fujimura không có người chăm sóc, trong khi cô vẫn phải tiếp tục làm việc tại nhà. Fujimura chia sẻ, một số người bạn có hoàn cảnh tương tự như cô đã bắt đầu rời bỏ công việc của họ. Điều đó khiến cô nhận ra rằng, có lẽ sẽ tốt hơn nếu cô xin nghỉ việc và theo đuổi con đường khác.

Fujimura là một trong những người đi đầu làn sóng tự nguyện nghỉ việc (Great Resignation) ở Nhật Bản, vốn đã bùng nổ khắp toàn cầu khi hàng triệu người rời bỏ công việc của họ, ngay cả khi các nền kinh tế đang dần lấy lại đà hồi phục từ đại dịch. Theo thông tin từ Japan Times, tháng 11-2021, đã có 4,5 triệu người Mỹ, tương đương 3% lực lượng lao động nước này bỏ việc. Đây là con số cao kỷ lục trong lịch sử xứ cờ hoa. Con số này trong tháng 12-2021 cũng cao không kém, đặc biệt, tỷ lệ nghỉ việc cao nhất nằm ở nhóm làm việc trong lĩnh vực khách sạn và chăm sóc sức khỏe.

 - Nhiều người muốn có một công việc mới linh hoạt hơn trong bối cảnh đại dịch. Ảnh: guidable.co

Tại Australia, cứ 5 người lại có 1 người đã thay đổi công việc trong năm vừa qua. 1/4 số lao động nước này đang cân nhắc rời bỏ chỗ làm hiện tại, theo nghiên cứu mới từ Ngân hàng Quốc gia Australia.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, các báo cáo cho biết, ngành công nghệ thông tin đã chứng kiến tỷ lệ nghỉ việc kỷ lục vào năm 2021, gây ra tình trạng “bão tuyển dụng” trong giới công nghệ.

Lý do khiến làn sóng tự nguyện nghỉ việc xuất hiện tại nhiều quốc gia đó là bởi một số người cảm thấy quá lao lực vì công việc hiện tại và cần thời gian nghỉ ngơi. Số khác lại muốn có một công việc mới linh hoạt hơn. Đối với Fujimura, cả hai lý do này đều là yếu tố thúc đẩy cô nghỉ việc.

Sau khi từ chức vào tháng 11-2021, Fujimura bắt đầu mở dịch vụ tư vấn PR của riêng bản thân. Thu nhập của cô đã tăng gần gấp đôi. Bên cạnh đó, cô đã có thể linh hoạt trong việc sắp xếp lịch trình cá nhân cho gia đình và con cái.

Có thể thấy, phong trào tự nguyện nghỉ việc tại Nhật Bản vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Song các chuyên gia cho rằng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy xu hướng này sẽ sớm phát triển mạnh tại quốc gia vốn nổi tiếng với thời gian làm việc kéo dài và thị trường lao động đầy cạnh tranh.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life dựa trên một cuộc khảo sát lực lượng lao động của chính phủ, số người muốn thay đổi công việc tại Nhật Bản là 8,41 triệu người trong năm 2021, trong khi năm 2020 là 8,19 triệu người và năm 2019 là 8 triệu người. Phong trào này xảy ra nhiều nhất đối với nhóm nhân viên văn phòng toàn thời gian.

HÙNG HÀ