Theo CNBC, mới đây, “gã khổng lồ” công nghệ Amazon của Mỹ thông báo sẽ sa thải 18.000 nhân sự. Giám đốc điều hành (CEO) Andy Jassy của Amazon cho biết, những vị trí bị loại bỏ phần lớn là nhân viên ở cửa hàng Amazon, cùng bộ phận về con người, trải nghiệm và công nghệ. Đây là đợt sa thải quy mô lớn hơn nhiều so với dự kiến cắt giảm 10.000 nhân viên ban đầu. Ông Jassy chia sẻ: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đánh giá năm nay của công ty không được tốt. Ngoài ra, chúng tôi đã tuyển dụng nhân sự quá nhiều trong vài năm qua”.

Meta, công ty mẹ của Facebook, sa thải 11.000 người. Ảnh: Dialogue. 

Đại dịch Covid-19 đã mang tới cho Amazon kỷ nguyên sinh lời lớn nhất từ trước tới nay khi người tiêu dùng đổ xô mua sắm trực tuyến và các doanh nghiệp ồ ạt tìm đến các dịch vụ điện toán đám mây của hãng. Trong hai năm 2020 và 2021, Amazon đã tăng gần gấp đôi lượng nhân viên, đồng thời dồn lợi nhuận cho việc mở rộng hoạt động và thử nghiệm những ý tưởng mới. Tính tới cuối năm 2019, Amazon có khoảng 798.000 nhân viên. Đến cuối năm 2021, có 1,6 triệu nhân viên làm việc toàn thời gian và bán thời gian cho Amazon. Tuy nhiên, sang năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Amazon đã chậm lại ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ. Công ty phải đối mặt với chi phí cao do các quyết định đầu tư quá mức và mở rộng nhanh chóng.

Amazon không phải là công ty công nghệ duy nhất cắt giảm nhân sự trong những ngày đầu năm mới. Theo The Wall Street Journal, ông Marc Benioff, đồng CEO công ty phần mềm dựa trên nền tảng đám mây Salesforce của Mỹ đã thông báo có kế hoạch sa thải 10% lực lượng lao động, tương đương 7.000 nhân viên và đóng cửa một số văn phòng như một phần của kế hoạch tái cấu trúc cũng như cắt giảm chi phí. Trong email gửi các nhân viên, ông Benioff viết: "Môi trường vẫn còn nhiều thách thức và khách hàng đang thận trọng hơn đối với các quyết định mua hàng. Với suy nghĩ này, chúng tôi đã đưa ra quyết định rất khó khăn là giảm 10% số nhân sự trong những tuần tới”. Cũng giống như Amazon, Salesforce thừa nhận rằng họ đã tuyển dụng quá nhiều nhân viên khi doanh thu tăng nhanh trong đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 12-2022, công ty phần mềm này đã tuyển dụng hơn 79.000 nhân viên.

Trước đó, nhiều công ty công nghệ lớn khác tại Mỹ cũng đồng loạt sa thải nhân viên. Hồi tháng 11-2022, Meta-công ty mẹ của mạng xã hội Facebook-thông báo sẽ sa thải hơn 13% nhân sự, tương đương hơn 11.000 người. Công ty truyền thông xã hội Twitter cũng sa thải gần một nửa trong số 7.500 nhân viên ngay sau khi về tay tỷ phú Elon Musk. “Nối gót" các công ty Mỹ, các công ty công nghệ ở Đông Nam Á đã tiến hành các đợt sa thải nhân viên quy mô lớn trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn. Dữ liệu từ trang web theo dõi tình trạng sa thải trong lĩnh vực công nghệ Layoffs.fyi cho thấy, các công ty công nghệ đã cắt giảm hơn 150.000 nhân sự chỉ riêng trong năm 2022, tăng gấp 10 lần so với con số 15.000 người vào năm 2021.

The Wall Street Journal nhận định, việc nhân viên ngành công nghệ bị sa thải hàng loạt diễn ra sau khi ngành này phát triển quá nhanh trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Các lệnh phong tỏa khiến người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà. Họ dành nhiều thời gian mua hàng trực tuyến, sử dụng mạng xã hội và chơi game nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của người tiêu dùng, các công ty công nghệ đã ồ ạt tuyển dụng nhân viên trong năm 2020 và 2021. Khi cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch, mọi người trở lại văn phòng, dành nhiều thời gian ở bên ngoài và mua sắm trực tiếp nhiều hơn. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát tăng cao khiến nhiều người phải tính toán kỹ lưỡng trước khi rút hầu bao. Điều đó làm suy giảm doanh thu của các công ty công nghệ.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bấp bênh và lãi suất tăng, các công ty công nghệ buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên như một phần của chính sách “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá rằng, tình trạng này không phải là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái dài hạn của ngành công nghệ mà chỉ đơn thuần là sự chuyển dịch tất yếu sau thời kỳ bùng nổ.

LÂM ANH