Sau khi gửi thông báo lên hệ thống quản lý đồ thất lạc, người đàn ông 40 tuổi này đã được nhận lại chiếc ví của mình chỉ trong vòng 48 giờ.

Trường hợp tìm lại đồ thất lạc của cư dân Hokkaido trên không phải là hiếm ở đất nước mặt trời mọc. Thống kê cho thấy, mỗi năm có gần 30 triệu đồ vật thất lạc được tìm thấy ở Nhật Bản. Riêng ở thủ đô Tokyo, con số này là 4 triệu. Những đồ vật dù có giá trị lớn hay nhỏ như chứng minh nhân dân, thẻ tín dụng, bằng lái xe, điện thoại thông minh, túi xách, ví hoặc phong bì chứa những khoản tiền nhỏ... phần lớn đều được trả lại cho chủ nhân của chúng. Năm 2003, một nghiên cứu của Trường Đại học Michigan (Mỹ) từng chỉ ra rằng, tỷ lệ ví thất lạc tìm lại được chủ ở New York vào khoảng 10%, trong khi ở Tokyo là 80%. Ngày nay, có tới 83% điện thoại di động và 65% ví thất lạc được tìm thấy trong ngày.

Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Theo tờ Le Monde (Pháp), Nhật Bản thực sự là thiên đường của sự tỉ mỉ và chính trực. Tờ báo này cho biết, có nhiều trạm tiếp nhận đồ thất lạc ở Tokyo. Trong vòng 3 ngày, nếu không có ai đến tìm đồ để quên, chúng sẽ được gửi tới Trung tâm quản lý đồ thất lạc tại Bunkyo-ku, nằm ở trung tâm thủ đô Tokyo. Đây là nơi cất giữ toàn bộ đồ thất lạc, từ những thứ được mong đợi tìm thấy nhất (như ví, điện thoại...) cho đến ít được mong đợi (như gấu bông, đôi giày...). Tất cả được sắp xếp theo nơi được tìm thấy và bản chất của mỗi đồ vật. Đáng chú ý, tất cả đồ vật đều được dán nhãn, một số thứ được cất giữ cẩn thận trong túi vải. Tại đây, các nhân viên yêu cầu người tìm đồ điền vào mẫu đơn một cách chính xác nhất có thể. Sau khoảng 10 phút kiểm tra trong kho, các nhân viên sẽ quay lại hỏi thêm một số chi tiết để kiểm chứng. Ví dụ: “Trong ví của bạn có một hóa đơn. Hóa đơn đó mua gì?”. Sau khi xác định người trình diện đúng là chủ sở hữu, đồ vật sẽ được trả lại. Vướng mắc với các nhân viên ở đây, đó là căn phòng đặc biệt chứa 350.000 chiếc ô, chiếm 8% số đồ vật thất lạc được tìm thấy nhưng chỉ có 1% quay trở lại với chủ nhân.

Theo quy định, nếu sau 3 tháng mà chủ nhân của vật thất lạc chưa xuất hiện, đồ vật đó sẽ được trao cho người tìm được. Trường hợp người tìm được từ chối nhận, chính quyền thành phố sẽ bán chúng cho một công ty chuyên buôn bán đồ cũ. “Nếu để quên đồ trên taxi, bạn chỉ cần gọi đến số điện thoại ghi trên biên lai. Nhà điều hành sẽ giúp bạn liên lạc ngay lập tức với người lái xe. Nếu người lái xe tìm thấy đồ vật, họ sẽ mang đến tận nhà bạn để trả”, tờ Le Monde cho biết thêm.

Quản lý đồ thất lạc và trả lại chúng cho chủ nhân chỉ là khía cạnh nhỏ trong đời sống xã hội ở đất nước mặt trời mọc. Nó cũng cho thấy tính chính trực đáng quý của người Nhật. Ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được cha mẹ và thầy cô giáo hướng dẫn cách báo cảnh sát khi để quên đồ ở nơi công cộng hay phát hiện đồ thất lạc của ai đó. Và không có gì ngạc nhiên nếu mọi người nhìn thấy một cậu bé xuất hiện một mình tại đồn cảnh sát ở khu phố nhỏ (ở Tokyo có hàng nghìn đồn cảnh sát như vậy) với món đồ được tìm thấy. Cảnh sát sẽ ghi lại lời khai báo của cậu bé và trao cho cậu một bản sao. Năm 2020, trong một dòng tweet được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Twitter, một người mẹ cho biết, cậu con trai 6 tuổi của cô tìm thấy một đồng xu trị giá 50 yên trong công viên ở vùng Hokuriku (Đông Bắc đảo Honshu, hòn đảo lớn nhất của Nhật Bản). Cậu bé đã đến đồn cảnh sát để giao lại và cậu được đối xử như một người lớn...

Trong nỗ lực nhằm cải thiện hơn nữa hệ thống quản lý đồ thất lạc, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết, họ đang phát triển bộ cơ sở dữ liệu tập hợp thông tin đồ vật thất lạc trên toàn quốc. Công cụ mới này sẽ giúp chủ nhân có thể xác định vị trí đồ thất lạc của mình trong vài phút nếu như chúng đã được tìm thấy và cất giữ ở đâu đó. Bộ cơ sở dữ liệu này sẽ được thử nghiệm ở 10 tỉnh, bắt đầu từ năm tài chính tiếp theo (tháng 4-2023), sau đó mở rộng ra toàn quốc trong 5 năm tới, tờ Le Monde cho hay.

BÌNH NGUYÊN