Kỳ 1: Việt Nam, một đất nước tươi đẹp

Người Việt Nam - minh chứng của hòa bình

“Nếu bây giờ có thể hát, tôi sẽ hát một bài hát có nội dung ở lại nơi này vì tôi yêu nó,” Hạ nghị sĩ Phillips tâm sự. Ông hát lại câu mà bố ông đã hát trong băng ghi âm gửi về cùng nụ hôn thắm thiết dành cho ông: “Chúng ta phải rời khỏi nơi này nếu đó là điều cuối cùng chúng ta làm...”. Ông cho rằng, bố ông suy nghĩ giống như mọi quân nhân Mỹ ở Việt Nam trong chiến tranh khi đó, họ đều có xung đột trong nội tâm. Ông khẳng định, bất kỳ người lính nào trong bất kỳ cuộc xung đột nào đều mong muốn kết thúc chiến tranh và trở về nhà. 

“Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Nhưng điều thật buồn, trớ trêu và đáng hổ thẹn mà tôi phải nói là chúng ta có được hòa bình qua chiến tranh. Tôi có thể cảm nhận được sự yêu chuộng hòa bình đó thông qua các bạn và tôi trở thành nghị sĩ để tiếp tục nỗ lực đó, điều mà bố tôi ắt sẽ muốn tôi làm và cùng thực hiện với những con người tuyệt vời cả ở Việt Nam và Mỹ. Tôi hy vọng ông sẽ tự hào”, ông Phillips nói.

Hạ nghị sĩ Phillips tiết lộ, trước khi đến Pleiku, ông và những người bạn của mình đã có một tuần ở miền Bắc Việt Nam, nơi họ cùng đạp xe tới nhiều nơi, không chỉ Hà Nội mà tới cả những ngôi làng nhỏ. “Chúng tôi gặp những người tuyệt vời, chơi bóng chuyền với họ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ và hát karaoke. Ở những nơi chúng tôi qua, chúng tôi thấy những ngôi trường và những ngôi làng rất đẹp. Tôi đã thấy nhiều điều ở Việt Nam mà không phải người Mỹ nào cũng thấy được”, ông Phillips cho biết.

Hạ nghị sĩ Phillips khẳng định: “Tôi có thể thấy những gì bố tôi từng thấy, cảm nhận được những gì bố tôi từng cảm nhận. Tôi hiểu về cuộc xung đột này. Tôi yêu hòa bình và điều đáng buồn là đôi lúc phải qua tổn thất mới có hòa bình. Các bạn-những người Việt Nam-hiểu điều này hơn ai hết. Các bạn đã chiến đấu vì tự do qua nhiều thế hệ. Và tôi hiểu công việc của mình là phải nhắc với người Mỹ về cuộc chiến đó của người Việt Nam. Các bạn không xâm lược nước nào, các bạn muốn tự do, độc lập”. Ông cho rằng không có quốc gia nào hơn Việt Nam trong việc tạo dựng hòa bình trên thế giới. “Khi trở về, tôi sẽ nói với bạn bè mình ở Quốc hội Mỹ và những công dân Mỹ hãy đến Việt Nam, thăm Việt Nam và không chỉ thăm những chứng tích chiến tranh mà hãy giành thời gian gặp gỡ những con người Việt Nam, bởi họ là những minh chứng của hòa bình”, ông nói.

Khắc phục hậu quả chiến tranh

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của cuộc chiến vẫn còn dai dẳng với cả hai nước. Ở Mỹ, có từ riêng để nói về con của những quân nhân mất trong chiến tranh-những đứa trẻ Sao Vàng. Ông Phillips nhận thấy rõ chiến tranh không chỉ cướp đi mạng sống của những người lính mà còn gây hậu quả nặng nề với người thân của họ. “Là con của một quân nhân, tôi biết người ta tìm các nguồn lực để đưa người lính ra chiến trường nhưng đôi khi lại không đủ nguồn lực để giúp khi họ trở về. Vậy nên tôi thực sự thấy cần quan tâm tới các cựu binh, họ đã hy sinh mạng sống hay một phần thân thể của mình, tương lai của mình. Việt Nam, Mỹ, hay bất kỳ nước nào đều tìm cách để hỗ trợ các cựu binh của mình”, ông nói. Ông Phillips cũng cho biết, các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam không được chào đón khi họ trở về như những người lính từ các chiến trường khác. Họ không được tôn trọng và phải chịu nhiều nỗi đau. Nhiều người phải mang những gánh nặng đó cho tới tận hôm nay. 

Với Việt Nam, hậu quả chiến tranh để lại còn nặng nề hơn với hàng loạt vấn đề như tìm thông tin liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom, mìn... Ông Phillips cho rằng, Chính phủ Mỹ phải có nghĩa vụ cung cấp các nguồn lực để khắc phục những vấn đề này, bảo vệ tính mạng con người. “Cá nhân tôi muốn góp chung nỗ lực cho việc rà phá bom, mìn để bảo đảm rằng, không ai còn phải chết vì những hậu quả của cuộc chiến tranh khủng khiếp đó”, ông Phillips khẳng định. 

Hướng tới tương lai tốt đẹp

Các cựu chiến binh của cả hai nước Mỹ và Việt Nam phải chịu nhiều mất mát, nhưng chính họ là những người tiên phong thực hiện những bước đầu tiên khó khăn nhất trong việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. “Những hành động đó gửi tới tất cả chúng ta một thông điệp là chúng ta phải có trách nhiệm. Tôi đã tới nơi tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain ở Hà Nội và biết ông cũng trở lại Việt Nam hơn 10 lần. Ông ấy cảm nhận quyết tâm xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ. Tôi cũng biết người Việt Nam tôn trọng ông ấy cả khi ông ấy đã mất, đó là bằng chứng rất mạnh mẽ của sự hòa giải. Đó cũng là lý do tôi tới Việt Nam vì hữu nghị, không chỉ giữa tôi với các bạn mà cho cả hai nước, hai Chính phủ”, ông Phillips nói.

leftcenterrightdel
       Hạ nghị sĩ Dean Phillips chỉ vào bố mình trong bức ảnh ông mang theo khi đến núi Hàm Rồng. 

Về quan hệ Việt-Mỹ, ông Phillips cho rằng, đối tác Việt-Mỹ có vai trò rất quan trọng. “Tôi đến đây với tư cách cá nhân, nhưng tôi xin nói với tư cách chính thức (Hạ nghị sĩ Mỹ-PV): Chúng tôi tôn trọng, đánh giá cao các bạn và đất nước của các bạn. Hôm nay mới chỉ là sự khởi đầu. Tôi hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng trở lại nơi này với một thế giới hòa bình hơn và tình hữu nghị sâu sắc hơn giữa hai nước”. Ông cũng cho biết, khi trở lại Mỹ sẽ có nhiệm vụ nói với bạn bè, hàng xóm và những công dân Mỹ về đất nước Việt Nam tươi đẹp, về những người yêu chuộng hòa bình, về những đứa trẻ có nụ cười đẹp nhất mà ông từng thấy trong cả cuộc đời mình. 

“Tôi nghĩ hai nước chúng ta sẽ cho cả thế giới thấy ý nghĩa của sự hòa giải và lại là bạn, là bảo vệ mạng sống chứ không phải tước đoạt đi sự sống, tôn trọng sự khác biệt ở cả các hệ thống chính phủ, tôn trọng lẫn nhau”, Hạ nghị sĩ Phillips khẳng định.

Những bông hoa hướng dương mà ông Phillips mua từ một người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội đã được đặt ở núi Hàm Rồng-nơi bố ông mất. Ông mong ước hành động trong chuyến thăm này sẽ lan tỏa ý nghĩa về hòa bình, ánh nắng và sự thịnh vượng để có một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Bài và ảnh: NGỌC HƯNG