Theo hãng tin DW của Đức, việc mỗi căn hộ cho thuê nhận hàng trăm đơn xem nhà không còn là chuyện hiếm ở nước này. Vì thế, rất nhiều người có cảm giác tuyệt vọng khi tìm kiếm một nơi trú chân có giá cả phải chăng.
Nếu đủ may mắn, họ mới được chủ hay đơn vị môi giới mời tới. Song thông thường, họ chỉ nhận được phản hồi: Xin lỗi, chúng tôi đã chốt hợp đồng rồi.
 |
Một góc thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: National Geographic
|
Hiện thị trường bất động sản tại Đức đang thiếu hơn 800.000 căn hộ và con số đó ngày càng tăng. Thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức) cho biết, khoảng 245.000 căn hộ được xây dựng vào năm 2023 nhưng sẽ chỉ có 210.000 căn hộ trong năm nay. DW ví von rằng, khủng hoảng thiếu nhà tại nền kinh tế hàng đầu ở châu Âu ngày càng trầm trọng đến mức việc tìm được một nơi ở có giá phải chăng giống như “trúng số” vậy. Riêng ở thủ đô Berlin, giá nhà chào thuê tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 13,6 euro mỗi mét vuông.
Đức đang dẫn đầu châu Âu về số lượng người thuê nhà, với hơn một nửa dân số không có nhà riêng, và cũng là quốc gia duy nhất ở Liên minh châu Âu có nhiều người thuê nhà hơn người sở hữu nhà. Chính phủ Đức đang cố gắng kiểm soát tình hình, quy định giá thuê không được cao hơn 10% so với hợp đồng thuê tương đương ở khu vực đó. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các tòa nhà mới, căn hộ được cải tạo nâng cấp hoặc trang bị nội thất.
Các chuyên gia đánh giá việc Chính phủ Đức giảm đầu tư cho nhà ở xã hội thời gian qua đã góp phần tạo nên khủng hoảng. “Chúng ta có 1 triệu căn nhà ở xã hội và 21 triệu căn cho thuê, nghĩa là tỷ lệ 1:21. Nếu bằng cách nào đó bạn mua được nhà ở xã hội ngay hôm nay thì coi như bạn quá may mắn”, nhà phân tích Matthias Bernt tại Viện Nghiên cứu xã hội và không gian Leibniz (Đức) nói.
KHÁNH NGÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Gần 10% người dân châu Âu phải đối mặt với gánh nặng chi phí nhà ở quá lớn, nghĩa là họ phải chi hơn 40% thu nhập để thanh toán hóa đơn tiền nhà. 30% người dân lục địa già có nguy cơ rơi vào nghèo đói, trong khi khoảng 900 nghìn người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Cuộc khủng hoảng nhà đang tác động sâu sắc đến đời sống của người dân châu Âu, đặc biệt ở khu vực thành thị.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở, Canada đã đưa ra chính sách hạn chế nhập cư, đồng thời thắt chặt việc cấp visa du học cho sinh viên nước ngoài trong năm 2024.
Theo hãng tin AFP, người dân Luxembourg có thể được xếp vào nhóm giàu nhất Liên minh châu Âu (EU). Dù vậy, chi phí mua hoặc thuê nhà cao ngất ngưởng ở nước này khiến một số người gần như không thể sống ở đây.