Theo The Washington Post, các quốc gia thành viên của NATO đang mắc kẹt trong những cuộc thảo luận nhằm xác định các bước đi tiếp theo cho việc kết nạp Ukraine. Những cuộc thảo luận về vấn đề này đã tăng nhiệt trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo các nước thành viên NATO dự kiến sẽ tới Vilnius (Lithuania) để dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới.

leftcenterrightdel

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Ukraine ngày 20-4-2023. Ảnh: Sky News 

Các quan chức của NATO, trong đó có nhiều người phát biểu giấu tên, nói rằng, 31 thành viên của liên minh quân sự này đều nhất trí loại phương án chính thức mời Ukraine gia nhập liên minh tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 12-7 tại Lithuania.

Trong khi các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu yêu cầu tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, NATO phải đưa ra lộ trình kết nạp Ukraine thì Mỹ và các thành viên ở khu vực Tây Âu lại ủng hộ những bước đi khiêm tốn hơn, chẳng hạn như nâng cấp cơ quan hợp tác NATO-Ukraine hoặc quyết định mở rộng sự hỗ trợ về kỹ thuật cho Ukraine trong lĩnh vực quốc phòng.

Tuuli Duneton, một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Estonia cũng nói rằng, hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Lithuania mang lại cơ hội để gửi thông điệp mạnh mẽ tới Ukraine, đó là nước này xứng đáng có một vị trí trong NATO. Tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Jan Lipavsky nói rằng, ông mong muốn hội nghị sắp tới sẽ vạch ra con đường phù hợp để Kiev gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Mỹ cùng với các nước thành viên NATO ở Tây Âu lại ủng hộ cách tiếp cận thận trọng và chậm rãi hơn trong vấn đề này. Một số nước cho rằng, việc kết nạp Ukraine trong khi cuộc xung đột ở nước này chưa kết thúc sẽ đẩy NATO vào thế đối đầu trực tiếp với Nga. Một nhà ngoại giao của Anh thì nói rằng, mục tiêu từ nay đến khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania chỉ là thúc đẩy một thỏa thuận cho thấy nguyện vọng gia nhập của Ukraine có tiến triển.

Mặc dù chưa phải là thành viên của NATO, ngày 16-5 vừa qua, Ukraine đã chính thức trở thành thành viên của Trung tâm Hợp tác phòng thủ không gian mạng ưu việt (CCDCOE) trực thuộc NATO.

Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thường xuyên khẳng định, NATO ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh nhưng không cho biết điều này sẽ diễn ra vào thời điểm nào và cách thức ra sao. Như trong chuyến thăm Ukraine vào ngày 20-4 vừa qua, ông Stoltenberg cam kết tiếp tục hỗ trợ để Kiev sớm gia nhập NATO song lại không đưa ra khung thời gian cụ thể.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng tiết lộ vẫn chưa có quyết định về việc Ukraine gia nhập NATO ở thời điểm hiện nay, đồng thời cho biết một quyết định liên quan tới vấn đề này sẽ chỉ được đưa ra sau khi cuộc xung đột ở Ukraine chấm dứt.

Trong khi đó, phía Ukraine đã lên tiếng thúc giục NATO phải sớm đưa ra quyết định về việc mời Kiev gia nhập liên minh. “Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius sẽ không mang ý nghĩa lịch sử nếu không đưa ra được quyết định về tương lai của Ukraine trong liên minh”, Đại sứ Nataliia Galibarenko, Trưởng phái đoàn của Ukraine tại NATO nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Galibarenko, Ukraine tin tưởng rằng, NATO có thể xác định rõ con đường để Kiev gia nhập liên minh thay vì tiếp tục lặp lại tuyên bố về chính sách mở cửa đối với các thành viên mới. Giải thích vì sao NATO nên kết nạp Ukraine là thành viên, bà Galibarenko nói rằng, nếu không có Ukraine, việc bảo vệ sườn Đông của NATO sẽ là nhiệm vụ bất khả thi. Bà nhấn mạnh: “Cũng giống như việc Phần Lan và Thụy Điển tăng cường cho sườn phía Bắc của NATO, Ukraine sẽ giúp bảo đảm an ninh cho liên minh tại khu vực Đông Âu và Biển Đen”.

TRUNG DŨNG