Hãng thông tấn Anadolu ngày 19-5 đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ở Lisbon, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, ông hy vọng lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO sẽ nhất trí cam kết chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Ông Stoltenberg nhận định môi trường an ninh của NATO đang trở nên “nguy hiểm hơn” kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Việc bảo đảm an ninh của NATO trong “một thế giới nguy hiểm” cũng đồng nghĩa liên minh quân sự cần đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng và năng lực răn đe của mình. Theo Reuters, trong khi hoan nghênh việc Bồ Đào Nha gần đây đã tăng chi tiêu quốc phòng, ông Stoltenberg nhấn mạnh tất cả các quốc gia đồng minh trong NATO cần “cam kết và làm nhiều hơn nữa”. Về phần mình, Thủ tướng Costa khẳng định, với tư cách là một thành viên sáng lập NATO, Bồ Đào Nha “vẫn trung thành với các giá trị của liên minh”.

leftcenterrightdel
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (bên trái) và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa tại cuộc họp báo chung ở Lisbon. Ảnh: NATO 

Mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng được lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO nhất trí từ năm 2006 nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên minh quân sự. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 kéo theo việc nhiều quốc gia thành viên NATO giảm nguồn lực cho quốc phòng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu này.

Đến hội nghị thượng đỉnh hồi năm 2014 ở Anh, các nhà lãnh đạo NATO đạt đồng thuận rằng những quốc gia thành viên nào đã đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng thì “tiếp tục thực hiện”, trong khi các quốc gia thành viên còn lại đặt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng “trong vòng một thập niên”. Điều đó đồng nghĩa năm 2024 là hạn chót để tất cả các quốc gia thành viên đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng mà NATO đã đề ra từ năm 2006.

Mặc dù chi tiêu quốc phòng thời gian qua của nhiều quốc gia thành viên có tăng, song khả năng NATO “về đích” vào năm tới được nhìn nhận là gần như không thể xảy ra. Trang mạng Defense News nhận định tại hội nghị thượng đỉnh ở Litva sắp tới, lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO có thể nhất trí lặp lại cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng “với ngôn từ mạnh mẽ hơn”.

Trang mạng Breaking Defense cho biết trong báo cáo được NATO công bố hồi tháng 3 vừa qua, liên minh quân sự xác nhận trong năm 2022, chỉ có 7 quốc gia thành viên đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, gồm Mỹ, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva, Ba Lan và Anh. Với Bồ Đào Nha, tuy chi tiêu quốc phòng của nước này trong năm 2022 tăng (chiếm 1,38% GDP) so với năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu 2% GDP mà NATO đề ra. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Bồ Đào Nha Helena Carreiras tuyên bố chính phủ nước này có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 1,66% GDP trong năm nay và sẽ đạt mục tiêu 2% GDP vào cuối thập niên này.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng cảnh báo bất chấp ngân sách dành cho quốc phòng gia tăng, việc mua sắm quốc phòng của các quốc gia thành viên chưa bắt kịp với “thế giới nguy hiểm mà chúng ta đang sinh sống”. Theo ông, việc tăng chi tiêu quốc phòng phải nhanh chóng “biến thành các hợp đồng mua sắm thực sự và các loại vũ khí trang bị cụ thể”.

VŨ HOÀNG