Reuters đưa tin, từ ngày 17 đến 20-4, Hội nghị lần thứ 18 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được tổ chức tại Mỹ dưới sự đồng chủ trì của NATO và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Sự kiện quy tụ được hơn 150 đại biểu từ khoảng 50 quốc gia tham dự. Năm nay là lần đầu hội nghị được tổ chức ở Bắc Mỹ. Dự kiến tất cả cuộc họp, ngoại trừ các bài phát biểu chào mừng, đều sẽ diễn ra theo hình thức họp kín.

Phát biểu trực tuyến tại phiên khai mạc, trang chủ của NATO (nato.int) cho biết, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ quan ngại về hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế, nhấn mạnh tới kịch bản các cơ chế kiểm soát vũ khí sụp đổ và biến mất có thể dẫn tới sự bùng nổ của vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như tiềm ẩn nhiều hậu quả nguy hiểm.

“Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường”, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đánh giá.

leftcenterrightdel
 Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO

Tuy nhiên, người đứng đầu khối quân sự lớn nhất thế giới khẳng định vẫn còn một hướng đi tốt hơn ở phía trước, nơi mà NATO cam kết bảo vệ quyền tự do và an ninh của cả 31 nước thành viên, đồng thời quyết tâm đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy vấn đề kiểm soát vũ khí toàn cầu trong tương lai.

“Điều này không dễ dàng và sẽ khó được thực hiện nhanh chóng. Nhưng quan trọng là chúng ta phải đi theo hướng đó... Tôi kêu gọi tất cả chúng ta hãy làm những gì cần thiết để định hình tương lai của vấn đề kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Tổng thư ký NATO nêu rõ.   

Tuyên bố trên được Tổng thư ký NATO đưa ra vài tuần sau khi Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa nước này với Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng quyết định tạm đình chỉ tham gia New START của Nga có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng chạy đua vũ trang và rủi ro hạt nhân với thế giới. Một khi New START sụp đổ hoặc Moscow và Washington không gia hạn trước khi hết hạn vào tháng 2-2026, đây sẽ là dấu chấm hết hơn nửa thế kỷ thực hiện các hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới. Thậm chí, điều này có khả năng châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, song song với cuộc xung đột tại Ukraine.

Mặt khác, không lâu sau đó, Moscow công khai kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus (tương tự hoạt động của Mỹ trên lãnh thổ đồng minh trong nhiều thập kỷ qua). Nếu thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bên ngoài lãnh thổ. Theo nhà lãnh đạo NATO, động thái trên khiến Nga trở thành “mối đe dọa trực diện” với an ninh của liên minh này.

leftcenterrightdel
Một tên lửa Trident II D5 được phóng từ tàu ngầm ngoài khơi bờ biển California, Mỹ. Ảnh: Defense News

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thư ký NATO còn khẳng định NATO sẵn sàng giúp các nước ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới.

“Một số thỏa thuận thành công nhất ra đời trong thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh. Điều đó có thể xảy ra một lần nữa vào thời điểm này”, Tổng thư ký Jens Stoltenberg bày tỏ kỳ vọng.

Cuối tháng trước, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ People’s Aid (Na Uy) ước tính rằng, 9 quốc gia chính thức và chưa chính thức được coi là sở hữu hạt nhân ước có tổng cộng 9.576 đầu đạn hạt nhân trong năm 2023, tăng từ mức 9.440 được đề cập trong báo cáo vào đầu năm ngoái. Báo cáo nhấn mạnh những vũ khí này có năng lực phá hủy quy mô lớn, tương đương với hơn 135.000 quả bom nguyên tử từng dội xuống Hiroshima (Nhật Bản) trước kia.

MINH ANH (theo Reuters, Anadolu, nato.int)