Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà bếp dã chiến cũng có đủ nguyên liệu và các “anh nuôi” đã phải đưa ra những thực đơn khá đặc biệt, để người lính ít nhất không phải ăn một bữa ăn nguội trên chiến trường.

Thức ăn dành cho chiến sĩ Hồng quân, giống như mọi quân đội, được chế biến tại các nhà bếp dã chiến đặt trên các phương tiện như xe ngựa và xe tải nhỏ, thậm chí lò bánh mì cũng được mang ra chiến trường, tương tự như truyền thống của quân đội Sa hoàng cuối thế kỷ XIX. Nó bao gồm một số nồi hơi (1-4 nồi hơi), một ngăn để lưu trữ thực phẩm và đồ dùng nhà bếp.

Đồ ăn được chuyển ra chiến trường khi còn ấm nóng để xua đi sự lạnh giá của thời tiết. Ảnh: Rian 

Bếp dã chiến được đun nấu bằng gỗ. Để che mắt quân phát xít không nhìn thấy khói từ các nhà bếp, thức ăn thường được chuẩn bị vào sáng sớm trước khi bình minh và vào buổi tối. Nước trong nồi hơi sôi trong 40 phút, bữa trưa hai món được chuẩn bị trong 3 giờ và bữa tối trong khoảng 1 tiếng rưỡi. Do toàn bộ việc chuẩn bị nguyên liệu đều diễn ra buổi đêm và đàn ông được tổng động viên, nên các bếp dã chiến phần lớn do phụ nữ đảm trách.

Không chỉ việc chuẩn bị đồ ăn vất vả, mà giao đồ ăn cũng là một thách thức thực sự. Những người lính mang những nồi thức ăn nặng từ bếp dã chiến đến tận chiến hào dưới hỏa lực của đối phương. Nhiều đội tiếp phẩm đã thiệt mạng khi mang những bữa ăn nóng sốt ra tiền tuyến.

Khẩu phần thường ngày của các chiến sĩ Hồng quân thời chiến

Món ăn chính theo khẩu phần thời chiến của Hồng quân là kulesh, tức là súp kê, có thể thêm các thành phần khác như mỡ lợn và rau. Ngoài ra, trong bếp dã chiến, họ còn chuẩn bị các món súp Nga ưa thích: Súp borsch và súp shchi, khoai tây hầm, kiều mạch nấu với thịt bò luộc, hoặc hầm hoặc đồ hộp.

Theo khẩu phần ăn hằng ngày cho binh lính được thông qua ngày 12-9-1941, binh lính Hồng quân và ban lãnh đạo các đơn vị chiến đấu của quân đội tại ngũ được hưởng một danh mục sản phẩm nhất định. Trong số đó có bánh mì (800-900g), bột mì loại 2 (20g), ngũ cốc (140g), mì ống (30g), thịt (150g), cá (100g), mỡ lợn và mỡ (30g), dầu thực vật, đường, trà, muối, rau (khoai tây, bắp cải, cà rốt, củ cải đường, hành tây, rau xanh).

Hầu hết các đầu bếp của Hồng quân là nữ do đàn ông đã ra trận. 
Một bữa ăn ngoài tiền tuyến. Ảnh: Rian 

Có một khẩu phần phân phối thuốc lá (20g mỗi ngày) và diêm (3 hộp mỗi tháng). Những phụ nữ không hút thuốc còn được tặng thêm bơ, bánh quy và chocolate.

Các phi công được cung cấp thức ăn đa dạng và bổ dưỡng hơn. Ngoài khẩu phần tiêu chuẩn, họ được cho uống sữa tươi hoặc sữa đặc, phô mai, kem chua, trứng, bơ và phô mai, chiết xuất trái cây và trái cây khô.

Chế độ ăn của thủy thủ tàu ngầm cũng khác biệt. Họ được phục vụ rượu vang đỏ và bắp cải muối chua, dưa chua và hành tây sống. Những sản phẩm này được cho là có tác dụng ngăn ngừa bệnh scorbut và bù đắp tình trạng thiếu oxy. Các thủy thủ được phát bánh quy. Những con tàu nhỏ thì nhận bánh mì từ đất liền, còn những con tàu lớn hơn thì có lò nướng đặc biệt.

Đến cuối cuộc chiến, tình hình lương thực trở nên khó khăn hơn, nên khẩu phần ăn của người lính bị cắt giảm.

Khi cà rốt được chế biến thành trà và bánh bột ngô

Các “anh nuôi” đã cố gắng hết sức để đa dạng hóa chế độ ăn uống của binh lính, vốn đã trở nên đạm bạc vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Vệ quốc. Ví dụ, họ làm trà cà rốt. Để làm món này, cà rốt được gọt vỏ, chiên trên lửa cùng với nấm, sau đó đổ nước sôi lên trên. Cà rốt mang lại cho trà vị ngọt, còn nấm mang lại cho trà màu sẫm dễ chịu.

Công thức làm bánh mì Rzhevsky cũng được thực hiện trong thời chiến. Món này được chế biến bằng khoai tây luộc, làm sạch và băm nhỏ. Toàn bộ chúng được đặt trên tấm ván, rắc vụn cám và để nguội. Sau khi chúng lên men, hỗn hợp được thêm 1 chút muối và nướng trong lò.

Mọi loại thực phẩm đều được tận dụng để tạo ra những bữa ăn và khẩu phần tương đối đầy đủ cho người lính. Ảnh: Rian 

Vào cuối cuộc chiến, từ mùa xuân năm 1944, Hồng quân Liên Xô đã nhận được bột ngô từ quân Đồng minh. Một số đầu bếp không biết phải làm gì với nó, họ cho nó vào bánh mì, nó trở nên giòn và nhanh ôi thiu, những người lính tức giận và mắng những người đầu bếp.

Tuy nhiên, cũng có những người tìm ra cách làm bánh mì dẹt. Một trong những cựu chiến binh nhớ lại cách người đầu bếp bảo họ đi thu thập cỏ trên thảo nguyên (hạt diêm mạch, cây me, cỏ linh lăng, tỏi dại), rồi kết hợp chúng với bột ngô để làm bánh. Tại một số nơi, bột ngô được nấu thành món Mamalyga (món ăn quốc gia của Moldavia), tương tự như cháo đặc. Nó nhanh chóng đông cứng và phải dùng dao mới cắt được.

Ngoài ra, các đơn vị nhà bếp cũng tận dụng mọi loại thực phẩm thu được tại chiến trường, để thay đổi khẩu phần ăn cho người lính tùy theo khu vực đóng quân.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.