Trong ít nhất 8 tháng, cơ thể người được tiêm vaccine J&J sản sinh kháng thể mạnh vô hiệu hóa mọi biến chủng Covid-19, bao gồm cả biến chủng Delta.

Delta được nhận định sẽ trở thành biến chủng thống trị ở Mỹ trong những tuần tới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Ban đầu, vaccine J&J được cho là có hiệu quả bảo vệ thấp hơn trước so với vaccine mRNA từ Pfizer và Moderna.

Hãng dược Johnson & Johnson (J&J) thông báo vaccine 1 liều của mình vô hiệu hóa biến chủng lây lan nhanh Delta. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia đã tranh luận về việc liệu có cần tiêm nhắc lại để tăng cường khả năng chống virus hay không.

“Chúng tôi đặc biệt vui mừng và thực sự tự tin rằng hiện không cần tiêm nhắc lại vì chúng ta sẽ được bảo vệ trước các biến chủng khác nhau”, Johan Van Hoof, Giám đốc toàn cầu phụ trách bệnh truyền nhiễm và vaccine của J&J cho biết.

Vaccine J&J vô hiệu hóa biến chủng Delta trong vòng 29 ngày của liều đầu tiên. Hiệu quả bảo vệ lớn dần và cải thiện theo thời gian, đại diện công ty nói.

Với dữ liệu mới nhất, ông Van Hoof cho biết J&J tin rằng mọi người không cần tiêm nhắc lại trong vòng 1 năm từ khi tiêm vaccine của hãng.

“Nếu cần tiêm nhắc lại, chúng tôi cũng không nghĩ sẽ cần thay đổi công thức”, ông Van Hoof nói.

Kết quả J&J công bố ngày 1-7 xuất phát từ hai nghiên cứu. Trong nghiên cứu thứ nhất, J&J xem xét mẫu máu lấy từ 8 người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của vaccine để đánh giá độ hiệu quả của kháng thể trước biến chủng Delta.

Trong nghiên cứu thứ hai, Dan Barouch, thuộc Trung tâm Y tế Deaconess tại Israel, đánh giá độ bền của phản ứng miễn dịch tại 20 tình nguyện viên tham gia một nghiên cứu sơ bộ đối với vaccine J&J.

Cuối tháng 8, J&J sẽ công bố dữ liệu về hiệu quả của vaccine trong thử nghiệm giai đoạn cuối đối với chế độ tiêm 2 liều, ông Van Hoof nói.

Là loại vaccine tiêm 1 liều, J&J từng được hy vọng có thể đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ở Mỹ. Nhưng J&J mất đà sau khi gặp trục trặc sản xuất và bị tạm ngưng sử dụng trong 10 ngày để chờ nhà chức trách điều tra thông tin vaccine gây tắc mạch máu.

LÊ ANH (Theo Reuters)