Reuters cho biết, Trưởng đoàn đàm phán Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani đã gặp Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora và đại diện các phái đoàn khác vào ngày 16-12 để đánh giá tình hình và thảo luận các biện pháp giúp quá trình thương thảo đạt kết quả. “Việc đàm phán giữa các bên đã đạt được tiến triển trong tuần này. Dự kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận sau vài ngày tạm nghỉ”, Trưởng đoàn đàm phán Iran viết trên trang Twitter cá nhân.
Mặc dù, phía Iran không tiết lộ thời điểm cụ thể nối lại đàm phán, nhưng một số nguồn thông tin dự đoán, các bên sẽ gặp lại nhau vào ngày 27-12 tới đây, hoặc có thể là vào giai đoạn giữa Giáng sinh và năm mới. Khoảng thời gian “nghỉ giải lao” này có thể đóng vai trò quan trọng để các bên tham vấn cấp cao trước khi trở lại bàn đàm phán nhằm đẩy nhanh việc tìm kiếm giải pháp và đạt được đồng thuận về vấn đề này.
 |
Phái đoàn Iran tại một cuộc đàm phán ở thủ đô Vienna của Áo ngày 29-11 vừa qua.Ảnh: Reuters |
Trước đó xuất hiện một tín hiệu tích cực khi hãng thông tấn bán chính thức FARS của Iran dẫn nguồn tin giấu tên cho hay nước này đã chuyển cho Mỹ một bản đề nghị gồm 12 điểm liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington, sau khi Nhà Trắng gửi hai văn bản không chính thức cho dự thảo thỏa thuận về các vấn đề đó tới chính quyền nước Cộng hòa Hồi giáo này. Điều này còn báo hiệu tiến trình đàm phán sẽ được các bên duy trì và nhiều khả năng sẽ dần đi vào thực chất.
Động thái trên có thể xuất phát từ tuyên bố gần đây của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield về việc Washington sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không phù hợp với thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 nhằm vào Tehran. “Nếu Iran tiếp cận các cuộc đàm phán tại Vienna một cách khẩn trương và nghiêm túc thì Mỹ sẵn sàng hồi đáp bằng những hành động tích cực”, Đại sứ Mỹ tại LHQ nhấn mạnh. Có thể nói, hiếm khi nào Mỹ lại có phát ngôn “xuống nước” như vậy.
Từ trước đến nay, phía Iran kiên định với quan điểm không có cách nào có thể cứu vãn JCPOA nếu không có hành động dỡ bỏ “một cách hiệu quả và có thể xác nhận” mọi cấm vận áp đặt lên nước này sau khi Mỹ đơn phương rời khỏi thỏa thuận. Ngược lại, phía Mỹ yêu cầu Iran phải tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận trước khi đòi hỏi bất cứ điều gì từ Washington và Brussels. Chính lập trường “không ai nhường ai” đó là rào cản lớn nhất để các bên tìm được tiếng nói chung. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken còn cảnh báo Washington đang cùng các đồng minh lên kế hoạch cho “phương án thay thế”, trong trường hợp những nỗ lực đàm phán hạt nhân với Iran không đạt kết quả.
Nhằm cứu vãn thỏa thuận lịch sử này, Iran và các cường quốc còn lại tham gia JCPOA đã nối lại đàm phán trực tiếp từ tháng 4-2021 tại Vienna trong khi phái đoàn Mỹ tham gia gián tiếp. Mục đích chính của tiến trình đàm phán là các bên thảo luận về triển vọng Mỹ có thể quay trở lại JCPOA và cách để bảo đảm tất cả các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận.
Vòng đàm phán thứ 7 hiện nay được nối lại từ cuối tháng 11 vừa qua, 6 tháng sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đắc cử. Đại diện một số bên, trong đó có cả Iran, đã đưa ra những phát ngôn lạc quan nhưng điều dư luận cần là kết quả cụ thể và rõ rệt thì lại chưa có hoặc chưa được công bố.
VĂN HIẾU