Đây là tuyên bố của ông Nahar, Thứ trưởng phụ trách bảo vệ trẻ em, Bộ Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia. “Việc chặn sẽ được thực hiện nếu những trò chơi này không tuân theo các quy định, đặc biệt là đối với những nội dung liên quan đến bạo lực, hành vi tình dục lệch lạc và cả cờ bạc trực tuyến”, Antara News dẫn lời ông Nahar, đồng thời lưu ý về lo ngại ngày càng gia tăng của nhà chức trách xung quanh các hoạt động tội phạm kỹ thuật số.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: freepik 

Theo quy định của Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia, trò chơi trực tuyến được phân loại theo độ tuổi và nội dung. Những trò chơi có yếu tố bạo lực, cờ bạc, nội dung khiêu dâm hoặc trong đó có hình ảnh sử dụng rượu và ma túy không được dành cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Quy định cũng nêu rõ các biện pháp xử phạt nếu nhà sản xuất trò chơi không đưa ra kết quả phân loại cụ thể.

Indonesia là một trong những quốc gia có số lượng người tham gia trò chơi trực tuyến cao nhất thế giới. Theo dữ liệu của Chính phủ nước này, Indonesia có 174,1 triệu người chơi games trực tuyến vào năm 2022. Indonesia cũng là thị trường trò chơi di động lớn thứ ba thế giới dựa trên số lượt tải xuống từ công cụ Google Play.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại về mức độ bạo lực trong những trò chơi như vậy khi người chơi tấn công nhau bằng tay chân hoặc vũ khí hòng tranh giành chiến thắng. Giới chức cho rằng bạo lực được thể hiện trong trò chơi có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ trong đời thực. 

Channel NewsAsia dẫn lời nhà tâm lý học Stenny Prawitasari cho hay: “Các trò chơi trên mạng như Free Fire chứa nhiều cảnh bạo lực dữ dội, bao gồm hành động chiến đấu và sử dụng vũ khí. Chơi loại trò chơi này nhiều lần có thể khiến trẻ mẫn cảm với bạo lực” và do đó, chính phủ cần quan tâm nghiêm túc hơn đến tác động của trò chơi trực tuyến đối với trẻ em. 

Thứ trưởng Nahar cho biết, Bộ Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia đang chuẩn bị lộ trình bảo vệ trẻ em khỏi những tác động tiêu cực trong không gian kỹ thuật số, không chỉ giới hạn ở các trò chơi trực tuyến. Lộ trình dự kiến hoàn thành trong năm nay, bao gồm 3 chiến lược: Ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ thông tin; phối hợp giữa các bên liên quan để bảo vệ trẻ em; xử lý việc lạm dụng công nghệ thông tin gây tác động xấu đến trẻ trên môi trường mạng.

HIỀN MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.