Theo tờ Financial Times, gói hỗ trợ tài chính này được cấp dưới dạng tài sản dự trữ quốc tế với tên gọi Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Ra đời từ năm 1969, SDR được coi là loại tiền tệ quy ước sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa IMF với các nước thành viên hoặc giữa các nước với nhau. IMF sử dụng SDR làm cơ sở cho các khoản vay khẩn cấp của thể chế tài chính này.
Các quốc gia thành viên IMF có thể vay SDR từ IMF với lãi suất ưu đãi, rồi sau đó giải ngân ra một loại tiền tệ mạnh nào đó, chủ yếu với mục đích điều chỉnh, tạo ra vị thế có lợi cho cán cân thanh toán của họ. Đáng chú ý, SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF. Trong trường hợp các quốc gia giàu có không cần khoản phân bổ này thì có thể nhường lại cho những quốc gia nghèo hơn.
 |
Bên ngoài tòa nhà trụ sở của IMF tại Washington, Mỹ. Ảnh: Tân Hoa xã |
Thông báo của IMF cũng cho biết, trong gói hỗ trợ trị giá 650 tỷ USD lần này, 275 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các quốc gia đang phát triển và phần còn lại được dành cho các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quyết định của IMF sẽ có hiệu lực từ ngày 23-8 tới.
"Đây là một quyết định lịch sử-lần phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử của IMF và là liều vaccine cho hệ thống tài chính toàn cầu vào thời điểm khủng hoảng chưa từng có", bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của IMF nhấn mạnh.
Cũng theo bà Georgieva, việc phân bổ SDR không chỉ mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia thành viên mà còn đáp ứng nhu cầu quốc tế dài hạn về dự trữ, đồng thời góp phần thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. “Đó là sự hỗ trợ đáng kể với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, vốn đang vật lộn để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19", Giám đốc điều hành của IMF khẳng định trong thông báo.
Trước đó, khi đề xuất thông qua kế hoạch này, bà Georgieva cũng từng lưu ý rằng, hơn một nửa các quốc gia đang phát triển trên thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 mà không có đủ dự trữ tiền tệ. Thậm chí, nhiều nước đã phải sử dụng hết các nguồn dự trữ bổ sung để đối phó với đại dịch.
Financial Times cũng nhấn mạnh rằng, việc phân bổ SDR rất hiếm khi được thực hiện. Lần gần nhất IMF tiến hành phân bổ SDR là trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2009, với khoản phân bổ tương đương 250 tỷ USD.
Liên quan tới tình hình kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch Covid-19, cuối tháng 7 vừa qua, IMF đã công bố báo cáo tổng quan về triển vọng kinh tế thế giới, trong đó cho thấy, các nước trên thế giới bị chia thành hai khối do khả năng tiếp cận không đồng đều đối với vaccine ngừa Covid-19. Theo hãng tin Sputnik, báo cáo của IMF nhận định, một số quốc gia tiếp tục phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh bùng phát và tỷ lệ tử vong cao, song vẫn có thể hy vọng tình hình trong tương lai sẽ trở lại bình thường. Mặc dù vậy, ngay cả ở các nước có ít ca mắc Covid-19 mới, quá trình phục hồi kinh tế cũng rất khó khăn vì đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành ở phần còn lại của thế giới. IMF dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay và vào năm 2022, con số này sẽ là 4,9%.
ANH VŨ