Kỳ 2: Ernesto Che Guevara - người bạn lớn của Việt Nam

Cuộc gặp giữa hai người du kích

Vào tháng 7-1964 ấy, khi tôi sắp kết thúc mấy năm học tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ thông dụng ở Cuba và mấy chục nước Mỹ Latinh khác, tôi được Đại sứ quán ta giao nhiệm vụ làm phiên dịch phục vụ Anh hùng Núp trong chuyến thăm Cuba của anh. Vừa đến La Habana vào buổi sáng 11-7, chưa kịp nghỉ ngơi sau chuyến bay vượt Đại Tây Dương dài mười mấy giờ, Anh hùng Núp đã nhận được lời mời dự Quốc khánh Mông Cổ tối hôm đó tại Khách sạn National. Che Guevara, nhân vật thứ hai sau Fidel Castro, cũng tới dự buổi lễ. Sau khi kết thúc các thủ tục lễ nghi với các quan chức Đại sứ quán Mông Cổ, Che Guevara mời Anh hùng Núp vào phòng khách của khách sạn chuyện trò thân mật như hai người bạn tri kỷ lâu ngày gặp nhau.

Sau mấy lời thăm hỏi xã giao, Che Guevara đề nghị Anh hùng Núp:

- Hôm nay, tôi muốn nghe đồng chí kể về những năm tháng đánh Tây ở quê hương đồng chí!

Anh hùng Núp vui vẻ nhận lời rồi chậm rãi kể chuyện. Che chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại xin lỗi được hỏi những điều chưa rõ hay chưa hiểu. Cuộc trò chuyện kéo dài tới gần 1 giờ 30 phút sáng hôm sau, Che mới ngừng hỏi chuyện và đứng dậy chào tạm biệt với lời cảm ơn chân thành:

- Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho tôi một buổi tối thật tuyệt vời và chuyện kể của đồng chí thật thú vị!

leftcenterrightdel
Che Guevara và Anh hùng Núp trong cuộc mít tinh đoàn kết với Việt Nam năm 1964 (nhà báo Vũ Văn Âu trong vai trò phiên dịch, ngồi phía sau). Ảnh: Prensa Latina.
Trong 40 ngày Anh hùng Núp ở Cuba, Che Guevara còn gặp Anh hùng Núp 4 lần nữa. Ngày 26-7-1964, sau khi kết thúc mít tinh kỷ niệm cuộc tấn công trại lính Moncada tổ chức tại Santiago de Cuba, nơi có trại lính này, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Cuba cùng nhau về thăm lại cơ sở ở ngoại ô thành phố từng là nơi tập kết quân khởi nghĩa chuẩn bị tiến quân vào Moncada hơn 10 năm về trước. Anh hùng Núp là vị khách nước ngoài duy nhất cũng được mời đi cùng với Che Guevara và hai người lại có dịp gặp nhau đàm đạo. Sang đầu tháng 8, Anh hùng Núp còn được Che Guevara mời đến thăm Minas de Frio, nơi được gọi là “Tổng hành dinh” của Che Guevara trong thời gian chiến đấu ở chiến khu Sierra Maestra. Khoảng hơn nửa năm sau đó, khi được tin Che Guevara đã từ bỏ mọi chức vụ và trách nhiệm ở Cuba để đi chiến đấu “ở một phương trời khác”, tôi mới hiểu được vì sao trong mấy lần gặp Anh hùng Núp, Che Guevara lại quan tâm hỏi nhiều về chiến tranh du kích như thế.

Tình cảm dành cho Việt Nam

Tình cảm của Che Guevara dành cho Việt Nam được Tổ chức đoàn kết ba châu: Á, Phi, Mỹ latinh (OSPAAAL) nhận xét trong một báo cáo tổng kết hoạt động của mình: “Đề tài về Việt Nam là rất quan trọng trong tư duy chính trị và chiến lược của Che Guevara...”. Qua những gì được biết, tôi thấy nhận xét trên quả là đúng đắn.

Trong buổi mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960), trong hơn 1 giờ phát biểu, nhà lãnh đạo thứ hai của Cuba đã dành những lời tốt đẹp nhất ca ngợi và ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Che gọi Việt Nam là "người anh em chiến đấu chung một chiến hào" và Che là người nêu khẩu hiệu "Cần phải tạo ra hai, ba, nhiều Việt Nam" để chiến đấu chống đế quốc và "chia lửa" với nhân dân Việt Nam.

Che Guevara và lãnh tụ Fidel Castro đã cùng với Nữ anh hùng Cuba Melba Hernandez-người đã tham gia trong cuộc tấn công vào trại lính Moncada ngày 26-7-1953, là những người đã đề ra chủ trương thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam. Phát biểu trong buổi lễ ra mắt ủy ban này ngày 25-9-1963, Che Guevara đã nói:  “Chúng ta biết chắc chắn là nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành được tự do hoàn toàn...”, “nói tới cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nước bị xâm lược, thì không thể chỉ bày tỏ tình cảm hoặc chúc nhân dân Việt Nam giành thắng lợi mà chúng ta phải cùng Việt Nam hy sinh hoặc cùng Việt Nam đi đến thắng lợi".

Ngày 11-12-1964, Ernesto Che Guevara đã đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó vấn đề quốc tế được ông đề cập đầu tiên là cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Trong “Thư gửi các dân tộc trên thế giới” thông qua Tổ chức OSPAAAL năm 1966, sau khi ông đã rời khỏi Cuba đi Bolivia, được công bố ngày 16-4-1967, Che đã phân tích tình hình ở ba châu lục và dành gần 4 trang-gần 1/4 số trang thư, đề cập tình hình Việt Nam. Che Guevara nêu lên những thắng lợi liên tiếp ở cả hai miền Việt Nam và viết:

“Dân tộc Việt Nam thật vĩ đại biết bao! Nhân dân Việt Nam đã dũng cảm, kiên cường biết bao! Đây là bài học mà cuộc chiến đấu của Việt Nam mang lại cho thế giới...

Chúng ta không thể lảng tránh lời kêu gọi đấu tranh khi đã được đưa ra. Việt Nam đã cho chúng ta bài học thường xuyên về chủ nghĩa anh hùng, bài học đấu tranh sinh tử để giành thắng lợi hoàn toàn”.

Đêm nay La Habana không ngủ

(Tưởng nhớ người du kích anh hùng Ernesto Che Guevara)


Đêm nay trời La Habana muôn con mắt điện thi nhau thắp sáng,

Theo những phố dài, những dòng người lặng lẽ bước đi,

Những bàn chân nặng nề đè lên đường nhựa.

Như những nỗi buồn gặp gỡ dưới trời sao,

Những lòng người thổn thức tìm nhau.


Che Guevara! Che Guevara!

Anh có nghe chúng tôi thầm gọi

Anh có nghe tiếng đập của hai triệu con tim,

Đêm nay nhớ anh thổn thức đi tìm.

Anh có biết chúng tôi đang nghĩ đến anh đây,

Không phải nghĩ về một người đã khuất.

Trong óc chúng tôi có hình anh đang cầm súng.

Bên tai chúng tôi vang tiếng anh thét xung phong:

“Hai Việt Nam, ba Việt Nam...

Và nhiều Việt Nam trên Trái đất này sẽ nở

Một rừng hoa anh muốn tặng cho đời.


Anh có nhớ những nẻo đường trên núi

Tiếng chim sơn ca hót mỗi sớm mai ngày.

Anh còn nhớ những mảnh trời xanh lộng lẫy

Thấp thoáng cười sau kẽ lá Palma

Anh có nhớ những căn nhà nho nhỏ

Rất hiền lành của thành phố Santa Clara

Đất có thay da, cây cối có đổi màu áo mới,

Những dấu chân anh mưa nắng không mòn.

Năm tháng qua, những người già trong phố

Vẫn kể chuyện anh...

... và buổi ấy, người dũng sĩ ra đi

Đôi cánh đưa anh theo chiều gió Bắc...


Đất Nam Mỹ với dãy Andinas hùng vĩ,

Nước hồ Titicaca chứa bao chuyện thần tiên

Đất của dầu lửa, cao su, núi đồng, sông bạc.

Đất quằn quại dưới gót giày lũ quỷ mắt xanh.

Đất căm hờn, những núi lửa bỏng sôi.

Vui đón anh về như đón một vì sao.


Bóng anh đi quân thù không dám ngó

Sau bước chân anh đất mở những con đường.

Anh, người đi gieo hạt giống,

Những con đường này chạy mãi về Nam.


Và... Bolivia, một ngày đẫm nước mắt

Hát ru hồn người dũng sĩ áo xanh:

“Ngủ đi anh rừng cây đưa võng.

Gió nhẹ ru vầng trán thanh cao,

Núi cũng nghiêng mình che bóng mát

Mảnh đất này xin sưởi ấm trái tim anh.

Cơn gió này từ phương Nam thổi tới

Quyện hơn nồng của cỏ xứ Pampa

Làn gió này xuống từ phương Bắc,

Mang tiếng chim sơn ca của núi Escambray

Ngủ đi anh, người du kích anh hùng

Có chúng tôi đây cầm súng thay anh”.

Nguyễn Duy Cương (La Habana, 18-10-1967) 

VŨ VĂN ÂU - Nguyên phóng viên thường trú và Trưởng phân xã đầu tiên của TTXVN tại Cuba