 |
Nhà hát Con sò tại Xít-ni nơi diễn ra APEC 15 |
Những ngày này tại thành phố Xít-ni của Ô-xtrây-li-a cờ hoa tung bay rợp trời, lực lượng an ninh có mặt khắp nơi. Tuần lễ cấp cao APEC với đỉnh cao là Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 đã khiến Xít-ni trở nên náo nhiệt hiếm có.
Trong không khí sôi động, nhiều người sẽ bất ngờ khi nhìn thấy một bức tường bằng thép và bê-tông cao 2,8m kéo dài 5,5 km ngay giữa trung tâm Xít-ni bao quanh khu vực diễn ra hội nghị nhằm bảo vệ tốt nhất an ninh tại APEC 15. Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã phải bỏ ra 300 triệu đô-la Ô-xtrây-li-a để tổ chức APEC, trong đó riêng khoản chi phí an ninh đã ngốn hết 170 triệu AUD. Tham gia bảo đảm an ninh cho APEC có 3.500 cảnh sát và 1.500 binh sĩ đặc nhiệm chống khủng bố. Hỗ trợ họ là các trực thăng Black Hawk và máy bay chiến đấu FA-18. Quân đội Ô-xtrây-li-a phong tỏa một vùng cấm bay bán kính 80km quanh thành phố.
Trong hai ngày 8 và 9-9, lãnh đạo 21 nền kinh tế thuộc APEC sẽ gặp gỡ, thảo luận tại Xít-ni. Chủ đề Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC 15 là: “Củng cố cộng đồng của chúng ta, xây dựng một tương lai bền vững”. Biến đổi khí hậu được coi là vấn đề trọng tâm tại Hội nghị lần này. Với tư cách là người chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giôn Hô-uốt ngay từ hồi tháng 3 đã gửi thư kêu gọi các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đưa ra những sáng kiến mới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giôn Hô-uốt sẽ đề xuất một kế hoạch mà ông đánh giá là sẽ thiết lập cơ sở cho một khuôn khổ quốc tế giải quyết vấn đề khí hậu Trái Đất ấm lên. Kế hoạch này, được Mỹ ủng hộ, sẽ mang tính tổng quát hơn với các mục tiêu dài hạn về giảm khí thải, khác hoàn toàn với Nghị định thư Ki-ô-tô đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải cụ thể. Quan điểm của Ô-xtrây-li-a là APEC cần đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các nước đạt đồng thuận về khuôn khổ toàn cầu mới này. Ô-xtrây-li-a đề xuất APEC ra Tuyên bố Xít-ni của các Nhà Lãnh đạo về biến đổi khí hậu.
Về cơ bản, các thành viên APEC không phản đối ý tưởng của Ô-trây-li-a, nhưng nhấn mạnh không muốn biến APEC thành diễn đàn chuyên môn về biến đổi khí hậu. Các thành viên ủng hộ việc Hội nghị cấp cao ra Tuyên bố riêng, tuy nhiên, nội dung Tuyên bố sẽ được thảo luận cụ thể tại Xít-ni.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận và thông qua báo cáo Hội nhập kinh tế khu vực, trong đó đề xuất các biện pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực trong thời gian tới. Đáng chú ý có đề xuất về nghiên cứu xây dựng khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Cách tiếp cận của các nền kinh tế cũng có điểm chung là quá trình hội nhập kinh tế khu vực cần gắn chặt với những diễn biến trong WTO, coi FTAAP là mục tiêu dài hạn nhưng không thay thế mục tiêu Bogor và không phá vỡ WTO. Theo dự thảo tuyên bố mà hãng tin Bloomberg có được hôm 5-9, các nhà lãnh đạo sẽ nghiên cứu xây dựng khu vực mậu dịch tự do. “Những thỏa thuận về tự do mậu dịch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư cũng như đưa các thành viên APEC xích lại gần nhau hơn”, bản dự thảo viết.
Theo một nghiên cứu mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 3-9, nếu thực hiện tự do mậu dịch sẽ giúp cho việc buôn bán giữa các nước trong khu vực thu được thêm 148 tỷ USD mỗi năm. Nghiên cứu của WB cũng đề cập đến hiện trạng tại nhiều quốc gia sự lưu thông tự do của sản phẩm và dịch vụ bị cản trở bởi những luật lệ thuế quan rắc rối. WB cho rằng, nếu xây dựng khu vực mậu dịch tự do sẽ tạo điều kiện cho các nước nghèo phát triển mạnh thương mại. Theo WB, ngành thương mại của Phi-líp-pin sẽ tăng 25% và của Việt Nam sẽ phát triển thêm 50%. Hiện các nền kinh tế APEC đều tăng trưởng mạnh, đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển đã đạt mức tăng đáng kể cả về GDP và mức sống. 21 nền kinh tế thành viên APEC chiếm 56% GDP thế giới và gần một nửa thương mại toàn cầu.
Ngoài hai vấn đề trọng tâm trên, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các vấn đề như kết nạp thành viên mới, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải cách cơ cấu kinh tế và các rào cản thương mại sau biên giới, các vấn đề về chống khủng bố, an ninh y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống tham nhũng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự hội nghị APEC 15. Việt Nam ủng hộ chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2007 do nước chủ nhà Ô-xtrây-li-a đề xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng dành ưu tiên cho việc kiểm điểm thực hiện các kết quả của Hội nghị APEC 2006 tại Hà Nội như thực hiện Kế hoạch hành động Hà Nội, cải cách APEC. Mục tiêu chung của Việt Nam tại hội nghị lần này là tiếp tục phát huy vai trò và uy tín sau khi vừa tổ chức rất thành công Năm APEC 2006 và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội.
ĐẶNG NGUYỄN