Nghị quyết cứng rắn 

Theo nghị quyết, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng tới và rời Triều Tiên sẽ bị thanh sát. Nghị quyết cũng cấm các tàu của Triều Tiên bị tình nghi chở những mặt hàng phi pháp rời các bến cảng trên khắp thế giới, đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí để cản trở cả những nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng. Văn kiện này cũng áp đặt lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu than, quặng, vàng, ti-tan và khoáng sản đất hiếm, đồng thời cấm các quốc gia cung cấp cho nước này nhiên liệu dùng trong ngành hàng không.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong phiên họp ngày 2-3. Ảnh: UN 

Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, nghị quyết mới bắt buộc (thay vì khuyến khích như trong các nghị quyết trước đây) các quốc gia phải phong tỏa tài sản của các cá nhân và thực thể có liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nghị quyết cũng cấm tất cả các quốc gia cho phép các ngân hàng Triều Tiên mở chi nhánh, văn phòng đại diện mới, đồng thời cấm các thể chế tài chính thành lập liên doanh, thiết lập hay duy trì quan hệ thông tin với các ngân hàng Triều Tiên. Nghị quyết cũng yêu cầu các quốc gia đóng cửa tất cả các ngân hàng Triều Tiên cũng như chấm dứt các giao dịch ngân hàng với nước này trong vòng 90 ngày.

Theo các nghị quyết trước đây, Triều Tiên bị cấm nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa cũng như hàng hóa xa xỉ. Nghị quyết mới mở rộng những mặt hàng bị cấm, bổ sung hàng xa xỉ như đồng hồ đắt tiền, xe trượt tuyết, xe nước giải trí và đồ pha lê. Văn kiện này cũng bổ sung vào danh sách đen 17 cá nhân và 12 thực thể Triều Tiên. Tất cả những đối tượng này đều bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại. Nghị quyết cũng yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán 6 bên để tiến tới "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo cách hòa bình và có thể kiểm chứng được".

Nhấn mạnh về sự cương quyết này, một quan chức của LHQ cho biết, trong ngày 2-3, HĐBA LHQ còn công bố báo cáo do một ủy ban giám sát lệnh trừng phạt soạn thảo, thừa nhận rằng bốn nghị quyết trước kia với những biện pháp trừng phạt mỗi lúc một mạnh hơn đối với Triều Tiên kể từ năm 2006, đã không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ngay sau khi nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên được HĐBA LHQ thông qua, đại diện một số nước đã bày tỏ quan điểm ủng hộ nghị quyết của HĐBA LHQ. Một số chuyên gia đánh giá đây là bản nghị quyết nghiêm khắc nhất trong vòng hai thập kỷ qua; đồng thời bày tỏ mong muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tăng cường đối thoại…

Liên quan tới việc ra đời lệnh trừng phạt này, một chuyên gia của LHQ cho biết, sau gần hai tháng đàm phán giữa đại diện Mỹ và Trung Quốc, trong đó có cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân mà nước này đang theo đuổi. Theo kế hoạch ban đầu, cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong ngày 1-3 (giờ Mỹ), song Phái bộ của Mỹ tại LHQ cho biết cuộc bỏ phiếu đã được lùi lại một ngày sau khi đại diện của Nga muốn có 24 giờ để nghiên cứu và yêu cầu sửa đổi một số nội dung dự thảo nghị quyết do Mỹ và Trung Quốc đề xuất.

Xa vời khả năng nối lại đàm phán 6 bên 

Về phía Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã phủ nhận vụ phóng tên lửa hôm 7-2 vừa qua có liên quan đến việc cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và khẳng định đó là tên lửa mang vệ tinh phục vụ mục đích hòa bình. Trước đó, ngày 29-2, hãng Thông tấn Triều Tiên (KCNA) nhấn mạnh: Lập trường của Triều Tiên về các hoạt động sản xuất và phóng vệ tinh sẽ không bao giờ thay đổi... và Triều Tiên cũng sẽ không từ bỏ việc phát triển công nghệ không gian chỉ vì sự cấm đoán của ai đó. Trong một bài xã luận đăng tải vào tuần trước, KCNA đã viết: “Các biện pháp trừng phạt và áp lực sẽ không bao giờ gây ảnh hưởng đến Triều Tiên - quốc gia vốn đã trải qua tất cả các loại trừng phạt và phong tỏa trong nhiều thập kỷ qua".

Sự cứng rắn của cả hai phía đã cho thấy một thực tế, rất có thể sau lệnh trừng phạt mới này, tiến trình các cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên tiếp tục rơi vào bế tắc. Cách tiếp cận bằng biện pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng mà Trung Quốc, Nga và các nước tham gia đàm phán đưa ra trong thời gian qua gần như không đạt được tiến triển gì kể từ năm 2009, khi Bình Nhưỡng rời khỏi hội nghị để phản ứng lại những chỉ trích của LHQ đối với một vụ phóng tên lửa. Sau đó, vào năm 2012, việc Bình Nhưỡng đã sửa đổi Hiến pháp, tuyên bố Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân càng làm cho tiến trình này trở lên xa vời hơn.

Mới đây, nhiều người đã vui mừng khi nhìn vào thành công của thỏa thuận lịch sử giữa I-ran và nhóm P5+1, dẫn tới việc nước này cam kết hạn chế quy mô chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, mang lại hy vọng cho nhiều nước liên quan về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên cùng theo hướng đi này. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay thấy rõ, việc khôi phục tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên dường như là điều quá khó, bởi các bên đều không chấp nhận các điều kiện tiên quyết của bên kia. Mỹ muốn Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán và cam kết phi hạt nhân hóa trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và một hiệp ước hòa bình được thảo luận cụ thể. Trong khi đó, Triều Tiên lại muốn được dỡ bỏ trừng phạt và đàm phán về hiệp ước hòa bình trước khi họ cân nhắc có quay trở lại hội nghị hay không.

NGUYỄN HÒA