Tờ Korea JoongAng Daily cho biết, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Hàn Quốc nhấn mạnh tới bối cảnh môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng. Theo Yonhap, những nét đặc trưng của bối cảnh này được Hàn Quốc xác định là năng lực hạt nhân của Triều Tiên, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung cùng các vấn đề an ninh mới nổi như gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu.

Từ đó, tài liệu-dài 107 trang với bản tiếng Hàn và 150 trang với bản tiếng Anh-nhận định rằng Hàn Quốc “đang ở một thời điểm lịch sử quan trọng”; đồng thời khẳng định chìa khóa bảo đảm tương lai của Seoul nằm ở việc phát triển một chiến lược an ninh quốc gia có khả năng "đưa ra những dự báo về xu hướng thay đổi của tình hình, tối ưu hóa các lợi ích của quốc gia và người dân".

Yonhap cho biết tài liệu xác định thách thức an ninh "cấp bách nhất" mà Hàn Quốc phải đối mặt là việc Triều Tiên tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân. Hàn Quốc nhấn mạnh "tầm quan trọng hơn bao giờ hết" trong việc tăng cường năng lực phòng thủ của quân đội nước này và củng cố thế trận phòng thủ chung với Mỹ. Theo tờ Korea JoongAng Daily, Hàn Quốc cũng cho biết có kế hoạch "tạo ra một môi trường chiến lược" nhằm khuyến khích Triều Tiên tham gia đàm phán, thông qua cách tiếp cận 3D: Deterence (răn đe), dissuation (can ngăn), dialogue (đối thoại).

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Hàn Quốc cũng chỉ ra “nhu cầu cấp bách” trong việc đưa mối quan hệ với Nhật Bản-vốn trở nên xa cách trong những năm qua vì mâu thuẫn dai dẳng liên quan đến các vấn đề lịch sử-trở thành "mối quan hệ hợp tác hướng tới tương lai" trong bối cảnh hợp tác an ninh 3 bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng trở nên quan trọng trong tình hình hiện nay.

Liên quan tới mối quan hệ với Trung Quốc, tờ Korea JoongAng Daily cho biết tài liệu kêu gọi thúc đẩy một mối quan hệ "lành mạnh và chín chắn hơn" trên cơ sở "tôn trọng và có qua có lại". Chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng xem ASEAN là "đối tác quan trọng" để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng chung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

leftcenterrightdel
Phó cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo phát biểu với báo giới về Chiến lược an ninh quốc gia mới. Ảnh: Yonhap 

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Hàn Quốc khẳng định Seoul sẽ nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế, hợp tác với cộng đồng quốc tế để "bảo vệ những giá trị phổ quát, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các nguyên tắc", đi đầu trong nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu như dịch bệnh, nghèo đói, mù chữ, khoảng cách số, ô nhiễm môi trường. "Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhằm chuẩn bị cho một tương lai thống nhất, đặt nền móng cho sự thịnh vượng ở Đông Á, đồng thời mở rộng vai trò toàn cầu của chúng tôi", Phó cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo phát biểu với báo giới về Chiến lược an ninh quốc gia mới.

Theo tờ Korea JoongAng Daily, Hàn Quốc bắt đầu công bố Chiến lược an ninh quốc gia kể từ năm 2004 dưới thời chính quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun. Chiến lược an ninh quốc gia của Hàn Quốc có hai phiên bản, gồm một bản công khai dành cho công chúng và một bản dành riêng cho các bộ, ngành sử dụng làm "định hướng thực hiện chính sách".

Chiến lược an ninh quốc gia mới của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xứ sở kim chi. Tờ Korea JoongAng Daily đánh giá tài liệu đã nêu ra được các nguyên lý chiến lược cốt lõi như sử dụng ngoại giao để thúc đẩy lợi ích quốc gia, củng cố quốc phòng thông qua nâng cao sức mạnh quân sự, thiết lập quan hệ liên Triều dựa trên nguyên tắc và có qua có lại, ứng phó với các mối đe dọa an ninh mới. Trong khi đó, tờ The Korea Times và The Korea Herald đặc biệt chú trọng tới cách tiếp cận của Seoul với mối quan hệ liên Triều.

Theo tờ The Korea Times, trong khi chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in tập trung xây dựng "bán đảo Triều Tiên hòa bình và thịnh vượng" trong Chiến lược an ninh quốc gia 2018, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol lại đặt mục tiêu ngoại giao là đưa Hàn Quốc trở thành "quốc gia quan trọng toàn cầu vì tự do, hòa bình và thịnh vượng". "Trái với chủ trương của chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in ưu tiên hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua cách tiếp cận hòa bình với vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, Chiến lược an ninh quốc gia mới tập trung vào việc củng cố liên minh Mỹ-Hàn, tăng cường hợp tác an ninh Mỹ-Hàn-Nhật và thúc đẩy bình thường hóa mối quan hệ liên Triều dựa trên các nguyên tắc. Chiến lược mới cũng không đề cập tới việc tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên và thỏa thuận hòa bình-vốn được chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in xem là những bước đi quan trọng trong lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", tờ The Korea Herald bình luận.

HOÀNG VŨ