Lầu Năm Góc thông báo, vào ngày 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ bắt đầu chuyến thăm tới Israel, Đức, Anh và trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bỉ.
Ngày 9-4, Reuters dẫn thông báo của Lầu Năm Góc cho biết, tại mỗi điểm dừng chân, Bộ trưởng Austin sẽ gặp gỡ những người đồng cấp và các quan chức cấp cao sở tại để thảo luận “tầm quan trọng của quan hệ quốc phòng quốc tế” cũng như “nhằm thúc đẩy cam kết của Mỹ về răn đe và phòng thủ, chia sẻ gánh nặng và an ninh lâu dài xuyên Đại Tây Dương”.
 |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Israel, Đức, Anh và trụ sở NATO. Ảnh: Getty Images |
Theo đó, tại Israel, Bộ trưởng Austin sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và người đồng cấp Benjamin Gantz để “tham vấn chặt chẽ về các ưu tiên chung” cũng như tái khẳng định cam kết lâu dài của Washington đối với quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Israel. Tại Đức, Bộ trưởng Austin sẽ có cuộc làm việc với người đồng cấp Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cũng như Cố vấn chính sách Ngoại giao và An ninh của Thủ tướng Đức Jan Hecker nhằm khẳng định sự coi trọng quan hệ quốc phòng song phương đối với “một trong những nước đồng minh NATO thân cận nhất”. Tại Bỉ, Bộ trưởng Austin sẽ trao đổi với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về cách thức ứng phó của liên minh quân sự trước những “hành vi gây bất ổn”, chủ nghĩa khủng bố, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu... Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của Bộ trưởng Austin là Anh, nơi ông sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Ben Wallace nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ quốc phòng Mỹ-Anh trong việc ứng phó các thách thức an ninh toàn cầu. Thông báo của Lầu Năm Góc không đề cập thời gian dừng chân của Bộ trưởng Austin tại mỗi địa điểm nói trên.
Trong chuyến công du của Bộ trưởng Austin, các địa điểm dừng chân Đức, Anh và trụ sở NATO gây nhiều chú ý. Nói vậy bởi chuyến công du châu Âu của Bộ trưởng Austin diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO, tiếp xúc với Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell hồi tháng 3 vừa qua. Đây được xem là nỗ lực của Washington nhằm “hâm nóng” lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã nguội lạnh phần nào sau những căng thẳng trong suốt nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời chính quyền Mỹ tiền nhiệm luôn căng thẳng khi Tổng thống Trump thực hiện chính sách “nước Mỹ trước tiên” mà EU cho là đã làm tổn hại lợi ích của khối. Đó là việc Mỹ yêu cầu các đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường áp lực về thuế đối với EU, đẩy mạnh kế hoạch cắt giảm binh lính thường trú tại Đức, mâu thuẫn trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các hợp đồng mua bán vũ khí từ Nga, tranh cãi về dự án Dòng chảy phương Bắc 2...
Các động thái của chính quyền Biden hướng tới các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương cho thấy, Washington muốn nhân dịp này gửi tới thông điệp hàn gắn và thúc đẩy quan hệ với NATO và EU nhằm chia sẻ những giá trị và lợi ích chung, đối phó với các thách thức hiện nay như đại dịch Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu... Đồng thời, Mỹ cũng muốn củng cố liên minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương nhằm đối phó với các đối thủ chiến lược toàn cầu. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2 vừa qua, chính Tổng thống Biden cũng cam kết “liên minh xuyên Đại Tây Dương trở lại” để “cùng nhau hướng về phía trước”. Theo ông, sau 4 năm khó khăn, hai bên cần học lại cách tin tưởng nhau một lần nữa. Tổng thống Biden khẳng định, quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là “nền tảng” trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Washington sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác châu Âu cũng như với NATO. Có một thực tế khá rõ ràng là trong khi Tổng thống Biden đang tìm cách khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương thì các đồng minh ở châu Âu cũng có cách tiếp cận tương đồng. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, châu Âu và Mỹ có “rất nhiều việc để làm” và Berlin đã sẵn sàng cho một chương mới trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, châu Âu và Mỹ cần có một nghị trình rõ ràng cũng như một cách tiếp cận chung trong các vấn đề quốc tế trên cơ sở đối thoại cởi mở, tôn trọng các giá trị, sự khác biệt và phải có niềm tin về một nền tảng chung tốt đẹp.
HOÀNG VŨ