Gia đình Ishii trồng lúa mạch và rau trong trang trại rồi bán sản phẩm thông qua chi nhánh địa phương của Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản. Với diện tích 6.250m2, trang trại này quá nhỏ so với tiêu chuẩn của châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, điều này là bình thường ở Nhật Bản.

leftcenterrightdel
Phần lớn nông dân Nhật Bản là người già. Ảnh: Kyodo News 

Anh Takashi là một trong số ít người trẻ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp ở Nhật Bản. Nghề nông không phải là nghề nghiệp được nhiều người trẻ Nhật Bản theo đuổi vì họ đã quen với sự tiện lợi và cuộc sống nhộn nhịp ở các thành phố. Trong khi đó, những người khác lại thờ ơ với nghề nông vì phải làm việc nhiều giờ trong mọi điều kiện thời tiết, tốn sức lực và chỉ có thu nhập khiêm tốn. Khi phần lớn những người trẻ tuổi không theo cha mẹ làm nghề nông, nhiều mảnh đất nông nghiệp ở Nhật Bản bị bỏ hoang. Báo cáo của Chính phủ Nhật Bản được công bố vào tháng 5 vừa qua cho thấy, khoảng 1,16 triệu người Nhật Bản tham gia vào ngành nông nghiệp trong năm 2023, giảm mạnh so với mức 2,4 triệu người vào năm 2000. Trong đó, chỉ có 20% dưới 60 tuổi. Các số liệu thống kê này làm dấy lên mối lo ngại rằng Nhật Bản sẽ phải nhập khẩu phần lớn thực phẩm và tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của quốc gia này sẽ chỉ ở mức 38%.

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực giải quyết vấn đề trên. Luật cơ bản về lương thực, nông nghiệp và nông thôn của Nhật Bản kêu gọi nâng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực lên 45% vào năm 2030. Tuy nhiên, dường như mục tiêu đó khó đạt được, đặc biệt là nếu những người trẻ tiếp tục quay lưng lại với nông nghiệp. Giáo sư Kazuhiko Hotta tại Đại học Nông nghiệp Tokyo nhận định: “Chính quyền Nhật Bản và các địa phương đang thực hiện nhiều chính sách khác nhau để khuyến khích mọi người trở thành nông dân, bao gồm hỗ trợ chi phí sinh hoạt, sắp xếp việc cho thuê đất nông nghiệp và tăng cơ hội học các kỹ năng mới. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có tác động đáng kể”.

ANH TÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.