Ngày 29-4, tại cuộc họp với chủ đề “Trung Đông đang trong tình trạng căng thẳng” bên lề cuộc họp đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng đưa ra một cam kết rõ ràng về việc thành lập Nhà nước Palestine bằng cách giải quyết vấn đề Palestine và phá vỡ vòng xoáy bạo lực hiện nay”. Theo AFP, cuộc họp có sự tham gia của ngoại trưởng các nước Arab và một số nước châu Âu nhằm thúc đẩy việc thành lập Nhà nước Palestine cũng như giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại trong nỗ lực tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Về phần mình, Ngoại trưởng nước chủ nhà Saudi Arabia Faisal bin Farhan cho rằng, việc thành lập nhà nước Palestine sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn lâu dài nào. Ông Farhan cho biết thêm việc kiên trì từ chối giải pháp hai nhà nước chắc chắn sẽ làm suy yếu an ninh và ổn định của khu vực.

leftcenterrightdel
Ngoại trưởng một số nước Arab và châu Âu tại cuộc họp với chủ đề “Trung Đông đang trong tình trạng căng thẳng” bên lề cuộc họp đặc biệt của WEF tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ai Cập  

Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide, một trong những bên tổ chức cuộc họp, tuyên bố rằng việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước sẽ không đến từ các bên xung đột. Ông bày tỏ không tin Israel sẵn sàng đàm phán vào thời điểm này, cũng như Mỹ không sẵn sàng nắm vai trò lãnh đạo cần thiết. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, ông Eide bày tỏ hy vọng vào vai trò lãnh đạo của các nước Arab và châu Âu trong việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước với mục tiêu nhằm ngừng bắn vĩnh viễn và giải quyết các vấn đề nhân đạo ở Gaza

Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry cho biết, Hamas sẽ từ bỏ đấu tranh nếu có cam kết rõ ràng về việc thành lập một nhà nước Palestine. Theo ông, sự phản kháng của người dân đối với một thế lực chiếm đóng là một nguyên tắc và là điều thiêng liêng trong Hiến chương Liên hợp quốc. Trước đó, ngày 24-4, trong cuộc trả lời phỏng vấn AP, quan chức chính trị hàng đầu của Hamas là ông Khalil al-Hayya tuyên bố lực lượng này sẵn sàng đình chiến, buông vũ khí và chuyển đổi thành một đảng chính trị nếu một Nhà nước Palestine được thành lập.

Cùng ngày 29-4, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cho biết sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo Arab trình bày đề xuất của mình về giải pháp hai nhà nước. Theo ông Borrell, một số nước châu Âu sẽ công bố quyết định công nhận nhà nước Palestine trong tháng tới, bao gồm Tây Ban Nha, Ireland, Bỉ, Slovenia và Malta.

Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry nhắc lại sự cần thiết của việc cộng đồng quốc tế phải nghiêm túc nỗ lực hướng tới chấm dứt sự chiếm đóng kéo dài hàng thập kỷ của Israel đối với các vùng lãnh thổ của Palestine và hỗ trợ người dân Palestine giành được các quyền hợp pháp của mình.

Cùng ngày, ông Shoukry và các Ngoại trưởng Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Jordan cùng với Tổng thư ký Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề cuộc họp đặc biệt của WEF ở Riyadh để thảo luận các nỗ lực ngăn chặn xung đột và giải quyết tình hình nhân đạo ở dải Gaza, cũng như sự nghiệp tương lai của người Palestine. Ông Shoukry cũng có cuộc gặp những người đồng cấp Na Uy, Sri Lanka, Malaysia, Bahrain và Pháp tại Riyadh.

Trong các cuộc gặp, Ngoại trưởng Shoukry cho rằng không có giải pháp thay thế nào cho lệnh ngừng bắn và việc bảo đảm đưa viện trợ nhân đạo vào vùng đất này. Ông khẳng định Ai Cập kiên quyết bác bỏ các hoạt động quân sự ở thành phố Rafah và việc ép buộc người Palestine di dời, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một giải pháp toàn diện cho sự nghiệp của người Palestine.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp báo ngày 30-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết các đại diện của phong trào Hồi giáo Hamas và Fatah đã đến Bắc Kinh tham dự các cuộc thảo luận sâu về thúc đẩy hòa giải nội bộ người Palestine. Hai bên đã thể hiện đầy đủ ý chí chính trị để đạt được mục tiêu hòa giải thông qua đối thoại và tham vấn, thảo luận nhiều vấn đề đặc biệt và đạt được những tiến triển tích cực. Chuyến thăm này đánh dấu lần đầu tiên một phái đoàn Hamas tới Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến giữa Hamas và Israel leo thang ở Gaza.

Nỗ lực hòa giải và đoàn kết nội bộ Palestine là một yếu tố quan trọng để hướng tới thành lập Nhà nước Palestine độc lập. Tiếng nói chung của các tổ chức Palestine lúc này là rất quan trọng trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng cường nỗ lực tìm cách chấm dứt cuộc xung đột tại dải Gaza hiện nay giữa Israel và Hamas.

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.