Trang mạng swissinfo.ch cho biết, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Deiss cho rằng gia nhập EU không phải là "sự tự sát về chính trị" mà là "một thắng lợi về chủ quyền". Theo ông Deiss, việc Thụy Sĩ "đóng băng" nỗ lực gia nhập EU sau cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 1992 là "sai lầm lịch sử". "Chúng ta vẫn ảo tưởng rằng chúng ta được đối xử tốt hơn khi không phải là thành viên so với khi là thành viên EU", ông Deiss tuyên bố.
 |
Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd (bên phải) gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Davos, tháng 1-2024. Ảnh: AFP
|
Trang mạng swissinfo.ch lưu ý rằng ông Deiss lâu nay vốn là một người ủng hộ mạnh mẽ Thụy Sĩ gia nhập EU. Phát biểu của ông Deiss được đưa ra trong bối cảnh Thụy Sĩ, tuy có thể trông giống như "một hòn đảo đơn độc" giữa lòng EU, song lại chia sẻ nhiều mục tiêu và giá trị với khối, theo Cổng thông tin điện tử của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ (với chức năng như Chính phủ). Trong hơn 50 năm qua, mối quan hệ giữa Thụy Sĩ và EU được bảo đảm "xuôi chèo mát mái" thông qua hơn 120 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực. Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá EU và Thụy Sĩ có mối quan hệ "xuyên biên giới mạnh mẽ".
Có khoảng 1,5 triệu công dân EU sinh sống tại Thụy Sĩ và khoảng 450.000 công dân Thụy Sĩ sinh sống tại EU. Mỗi ngày, có hàng trăm nghìn công dân EU đi lại qua biên giới giữa hai bên để làm việc. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ trong khi Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU. Hiện EU và Thụy Sĩ đang đàm phán sửa đổi một số thỏa thuận lớn trong hơn 120 thỏa thuận nói trên để "hưởng lợi ích đầy đủ từ tiềm năng của mối quan hệ giữa hai bên”.
Bất chấp lịch sử "hợp tác gần gũi" như Cổng thông tin điện tử của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã khẳng định, điều đáng nói là Thụy Sĩ lại không phải là một thành viên của EU. Hơn hai thập niên kể từ năm mà ông Deiss gọi là "sai lầm lịch sử", Thụy Sĩ đã chính thức rút đơn xin gia nhập EU vào năm 2016. Trên thực tế, theo trang mạng swissinfo.ch, Thụy Sĩ luôn sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế với EU nhưng lại luôn từ chối "hội nhập chính trị lớn hơn", hoặc thậm chí là trở thành một thành viên của khối. Cũng vì lẽ đó mà Brussels xem Bern là láng giềng và đối tác "kén chọn".
Có 4 lý do chính giải thích vì sao cho đến nay, Thụy Sĩ, vốn được bao quanh bởi 4 quốc gia thành viên EU (Đức, Áo, Italy và Pháp), vẫn không gia nhập khối. Thứ nhất, theo Giáo sư (GS) Fabio Wasserfallen tại Đại học Bern, xét cả về góc độ an ninh và ổn định chính trị, việc gia nhập EU không có nhiều ý nghĩa với Thụy Sĩ. Trong khi trang mạng gisreportsonline.com đánh giá Thụy Sĩ có vị trí địa lý thuận lợi khi "nằm ở khoảng cách tương đối an toàn" so với các cuộc xung đột và "điểm nóng", trang mạng swissinfo.ch cho biết Thụy Sĩ là một trong những quốc gia ổn định chính trị nhất thế giới.
 |
Cựu Ngoại trưởng Thụy Sĩ Joseph Deiss. Ảnh: swissinfo.ch |
Thứ hai, mối quan hệ với EU lâu nay vẫn mang lại hiệu quả cho Thụy Sĩ. Tạp chí Foreign Policy dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu vào năm 2019 khẳng định Thụy Sĩ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ thị trường chung EU. "Không có gì ngạc nhiên khi đa số người dân, chính giới và doanh nghiệp Thụy Sĩ muốn duy trì hiện trạng", GS Stefanie Walter tại Đại học Zurich nhấn mạnh.
Thứ ba, Thụy Sĩ có tiềm lực kinh tế. GS Fabio Wasserfallen cho rằng Thụy Sĩ "quá giàu" đến mức không muốn gia nhập EU. Thứ tư, việc gia nhập EU, theo trang mạng swissinfo.ch, sẽ làm suy yếu chính sách trung lập, vốn được Thụy Sĩ thực hiện từ năm 1815 và đã trở thành thương hiệu của nước này. Tạp chí Foreign Policy cho biết trung lập đã trở thành “một thành tố thiết yếu trong nhận thức của người dân Thụy Sĩ”. Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh dẫn kết quả cuộc khảo sát hồi năm 2023 cho thấy có tới hơn 90% người dân Thụy Sĩ ủng hộ duy trì chính sách trung lập.
HOÀNG VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.