Với người dân Mỹ, nỗi lo tăng giá sớm trở thành hiện thực.

Giá thực phẩm tiếp tục bị đội lên trong những tháng gần đây tại Mỹ. Giá hàng tạp hóa, vốn đã tăng 28% kể từ năm 2020, tiếp tục tăng 0,5% từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay. Đây là mức tăng hằng tháng lớn nhất trong hơn hai năm qua. Giá bơ tại Mỹ được dự báo có thể tăng khoảng 20% trong những tuần tới. Khoảng 90% bơ được bán tại Mỹ đến từ bang Michoacan của Mexico-nước láng giềng mà ông Donald Trump áp dụng biện pháp thuế quan.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: TTXVN 

Đi siêu thị nhưng cô Ingrid Melgar, 24 tuổi, bỏ qua các loại quả nhập như bơ, dâu tây, thay vào đó, cô chọn những mặt hàng không dễ hỏng, giá rẻ hơn như rau đóng hộp và bánh quy giòn. Người mẹ có 3 con nhỏ cho biết cô đang phải chi khoảng 250USD một tuần cho thực phẩm, gần gấp đôi số tiền cách đây vài năm. Gia đình cô đã ngừng ăn trái cây hay rau quả tươi vì giá cả quá cao.

Ông Morris Azadi ở Florida chưa quyết định mua xe hơi vội vì cảm thấy tức giận và không chắc chắn với các biện pháp thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump đối với các mặt hàng nhập khẩu, trong đó có ô tô của Canada và Mexico. Còn ông Richard LeBaron, 74 tuổi, một nhà ngoại giao nghỉ hưu sống tại vùng nông thôn Virginia cũng đang trì hoãn các khoản chi tiêu lớn vì không chắc chắn với quyết định của mình trong một thế giới mà ông cho là "đầy hỗn loạn".

Người dân Mỹ bắt đầu cắt giảm chi tiêu do lo lắng về sinh kế. Theo khảo sát được Đại học Michigan tiến hành hồi tháng 2 vừa qua, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 1 đã chứng kiến mức giảm hằng tháng lớn nhất trong 4 năm qua, còn chỉ số tâm lý tiêu dùng giảm gần 10%. Đây là những thống kê mà nền kinh tế Mỹ hẳn không trông đợi.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng không dễ chịu gì với tâm trạng bối rối vì chính sách thuế quan thay đổi “không biết đâu mà lần”. Khi Tổng thống Donald Trump thông báo các đòn thuế với Canada, Mexico và Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 4-3 sau những thay đổi và trì hoãn trước đó, anh Azadi, người sở hữu một công ty xây dựng với 35 nhân viên, đang cân nhắc sa thải nhân viên vì lo ngại khả năng ngành xây dựng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa sang Canada cũng trong tình trạng lo âu bởi người dân nước này đang chuyển sang ưu tiên mua sắm hàng nội địa để ủng hộ kinh tế trong nước và tẩy chay hàng Mỹ. Họ cũng lựa chọn hàng hóa từ châu Á vì có giá cả ổn định và nguồn cung đa dạng. Nhiều người dân Canada cũng ngừng mua sắm trên Amazon và không còn sử dụng dịch vụ Uber trong làn sóng tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Mỹ. 

Chuyên gia kinh tế Ngân hàng TD Securities Andrew Foran cho rằng, việc mức thuế toàn diện 25% kéo dài sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đẩy cả Canada và Mexico vào suy thoái kinh tế, đồng thời làm đình trệ tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Theo giới chuyên gia, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump giống như “con dao hai lưỡi” và nếu không kiểm soát được sẽ "gậy ông đập lưng ông". Nó nhằm phục vụ cho mục tiêu “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump nhưng cũng để lộ ra những lỗ hổng trong chiến lược kinh tế, đặt chính nền kinh tế Mỹ trước những rủi ro khó lường. Tuy chính sách này được tuyên bố là nhằm bảo vệ một số ngành công nghiệp trong nước, tạo việc làm và tăng nguồn thu ngân sách, nhưng trước mắt, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ mới đang phải hứng chịu những hậu quả không mong muốn.

Và cũng có thể thuế quan đang được ông Donald Trump sử dụng như một thứ “vũ khí” để gây sức ép lên các đối thủ nhằm giành lợi thế trong các cuộc thương lượng về kinh tế, thương mại và thậm chí cả chính trị. 

Hiện còn quá sớm để có thể biết chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump mang lại những lợi ích cho nước Mỹ, nhưng rõ ràng nó đang khiến người dân Mỹ cùng cả thế giới rơi vào tình thế bất an và đầy âu lo, tuy nhiên đổi lại có được bài học để luôn sẵn sàng thích nghi trong một thế giới đầy bất ổn. 

MAI NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.