Theo hãng thông tấn Yonhap, báo cáo nói trên do Lee Han-jin, nhà nghiên cứu tại Viện Lao động thuộc Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc công bố dựa trên các số liệu thống kê chính thức về tình hình tài chính của các hộ gia đình và dữ liệu bất động sản trên thị trường. Theo đó, năm 2023, khoản tiền tiết kiệm trung bình của các chủ hộ gia đình ở độ tuổi từ 20 đến 29 tại Hàn Quốc vào khoảng 10.084USD, trong khi giá trị trung bình của một căn hộ ở Seoul rơi vào khoảng 873.000USD. Do đó, chỉ cần làm một phép tính nhanh sẽ thấy, các lao động trong độ tuổi 20 ở nước này sẽ cần tiết kiệm trong suốt 86,4 năm mới có thể mua được một căn hộ ở thủ đô.

leftcenterrightdel
Các chung cư cao tầng ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Kyodo News 

Báo cáo với tiêu đề “Phân tích những thay đổi tài chính của các hộ gia đình trẻ trong thời kỳ bất động sản tăng vọt" do nhà nghiên cứu Lee Han-jin công bố cũng lưu ý rằng, do giá nhà đất tăng cao, các hộ gia đình trẻ gần như không thể mua nhà riêng ở Seoul. Thống kê cho thấy giá giao dịch của một căn hộ tại Seoul đã tăng từ 353.250USD vào năm 2014 lên 870.070USD vào năm 2023.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh giá nhà đất ở Hàn Quốc tăng vọt trong những năm gần đây, sự bất bình đẳng về tài sản trong thế hệ trẻ cũng như khoảng cách về tài sản giữa thế hệ trẻ và thế hệ lớn tuổi ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Bằng chứng là người lao động Hàn Quốc ở độ tuổi 20 có tốc độ tăng trưởng thu nhập 21% trong 10 năm qua, chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng thu nhập của lao động thuộc mọi lứa tuổi. Tốc độ gia tăng khoản tiền tiết kiệm của nhóm lao động trẻ cũng chỉ đạt 12,65%, thấp hơn nhiều so với mức 64,9% đối với lao động ở mọi lứa tuổi.

Đầu tháng 5 vừa qua, tờ The Korea Times dẫn số liệu từ cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết, dân số của thủ đô Seoul đã giảm 861.000 người trong thập kỷ qua, chủ yếu do các yếu tố liên quan đến giá nhà đất tăng vọt. Cụ thể, trong 10 năm qua đã có khoảng 5,47 triệu người rời khỏi Seoul để đến sống, làm việc tại các địa phương khác, trong khi số người chuyển đến Seoul trong khoảng thời gian này là 4,61 triệu người. Đáng chú ý, trong số 5,47 triệu người rời khỏi thủ đô thì có tới 1,74 triệu người nói rằng lý do chính dẫn tới quyết định này là do vấn đề nhà ở.

Giá nhà ở đắt đỏ cộng với làn sóng di cư cũng khiến Seoul không còn được gọi là “Thành phố 10 triệu dân”, bởi dân số của thành phố này hiện chỉ còn dưới 9,4 triệu người.

Tờ The Chosun Daily nhận định, gánh nặng nhà ở đang ngày càng đè nặng lên đôi vai của những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc. Với chi phí nhà ở tăng cao, thế hệ trẻ Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức và càng khó khăn hơn khi nghĩ về viễn cảnh có một ngôi nhà riêng. Trước đây, việc tiết kiệm tiền và dần chuyển từ thuê sang mua nhà là một “tiến trình tự nhiên” đối với thanh niên Hàn Quốc. Thế nhưng hiện nay, các hộ gia đình trẻ ở nước này phải vật lộn với việc tích lũy tài chính để sở hữu một nơi ở phù hợp. Nói cách khác, con đường truyền thống để sở hữu nhà đối với thanh niên Hàn Quốc đã trở nên gồ ghề hơn.

Nhà nghiên cứu Lee Han-jin cho rằng thời gian tới, Hàn Quốc cần đẩy mạnh những nỗ lực như tăng cường giáo dục miễn phí, cải thiện cấu trúc thị trường lao động và mở rộng nguồn cung cho thuê nhà ở nhằm cải thiện “sự bình đẳng về cơ hội” cho thế hệ trẻ nước này.

TRUNG DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.