Trong bối cảnh hợp tác toàn cầu ngày càng tăng để giải quyết vấn đề trốn thuế, đại diện của các nước G20 đã thảo luận về việc đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 gần đây ở thành phố São Paulo, Brazil. Kế hoạch này được đưa ra hơn 2 năm sau một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho thấy thế giới có thể cùng nhau hành động trong việc áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.

Brazil, nước Chủ tịch G20, đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch này cho đến Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Rio de Janeiro vào mùa thu năm nay. Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad kêu gọi các đối tác cùng hợp lực: “Chúng ta cần bảo đảm rằng các tỷ phú trên thế giới đóng góp phần thuế công bằng của họ”. Nhấn mạnh sự ủng hộ của Paris đối với kế hoạch này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết: “Chúng tôi muốn châu Âu thực hiện ý tưởng đánh thuế cá nhân tối thiểu này càng nhanh càng tốt và Pháp sẽ đi đầu”. Các nhà vận động công bằng thuế mô tả các cuộc thảo luận ở Brazil có ý nghĩa quan trọng. Bà Susana Ruiz, người đứng đầu về chính sách thuế của tổ chức phi chính phủ Oxfam, nhận định: “Việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự tại G20 là một bước đi lịch sử”.

Theo Cơ quan Giám sát thuế Liên minh châu Âu (EU) có trụ sở tại Paris, những người siêu giàu ở các nước lớn đóng thuế ít hơn nhiều so với người bình thường. Tài sản của họ hầu như không bị đánh thuế, với mức thuế suất thực tế chỉ dao động ở mức 0%-0,5%. Một báo cáo do tổ chức Oxfam công bố vào tháng 1-2024 cho thấy, tại các quốc gia, bao gồm Brazil, Pháp, Italy, Anh và Mỹ, người siêu giàu trả mức thuế thực tế thấp hơn so với người lao động trung bình. Theo Oxfam, gần 80% tỷ phú trên thế giới sống ở các nước G20.

leftcenterrightdel

Cơ quan Giám sát thuế EU kêu gọi đánh thuế 2% đối với tài sản ròng của các tỷ phú (ảnh minh họa). Ảnh: The Guardian 

Nhiều tỷ phú đã trốn thuế, khai thác lỗ hổng trong hệ thống thuế hay chuyển tài sản sang các quốc gia có mức thuế suất thấp hơn. Những hành vi này đang tước đi nguồn thu nhập vô cùng cần thiết của chính phủ các nước, đặc biệt vào thời điểm kinh tế khó khăn. Nhà kinh tế học Gabriel Zucman, Giám đốc Cơ quan Giám sát thuế EU nhận định: “Thuế lũy tiến là trụ cột chính của các xã hội dân chủ”. Ông Zucman lưu ý rằng các luật thuế hiện nay trên thế giới có nhiều lỗ hổng và không “đánh thuế đúng cách những cá nhân có khả năng nộp thuế cao nhất”.

Trong số một số ý tưởng ban đầu, Cơ quan Giám sát thuế EU đề xuất ấn định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 2% đối với tài sản ròng của các tỷ phú, nghĩa là giá trị tài sản của họ sau khi trừ đi các khoản nợ. Cơ quan Giám sát thuế EU ước tính việc đánh thuế như vậy có thể giúp các chính phủ thu về 250 tỷ USD mỗi năm. 

Tuy nhiên, việc đạt được một thỏa thuận về vấn đề này trong G20 dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn và có thể mất một thời gian dài. “Đây chỉ là sự khởi đầu của một tiến trình dài. Các cuộc đàm phán về mức thuế tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia cũng đã kéo dài nhiều năm. Vào thời điểm đó, một thỏa thuận quốc tế về vấn đề như vậy dường như là điều không tưởng. Nhưng bây giờ chúng ta đã đạt được điều đó. Điều này đã tạo nên tiền lệ”, ông Quentin Parrinello, Cố vấn chính sách cấp cao tại Cơ quan Giám sát thuế EU, nói với CNN. Theo ông Parrinello, những người siêu giàu có thể che giấu tài sản để tránh phải đóng những khoản thuế khổng lồ, chẳng hạn như gửi số tiền đó vào các công ty cổ phần, quỹ tín thác hoặc sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.

Giáo sư Arun Advani tại Đại học Warwick (Anh) nhận định, việc đánh thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú sẽ phức tạp hơn việc áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia. Theo ông Advani, việc các công ty có chi nhánh ở nhiều quốc gia giúp dễ dàng xác định chính phủ nước nào cần đưa ra yêu cầu nộp thuế. Từ đó, các bên liên quan có thể dễ đánh giá liệu công ty đó có trả đủ mức thuế tối thiểu toàn cầu hay không. Ngược lại, các tỷ phú thường hay di chuyển hơn nên khó xác định được chính phủ nước nào sẽ có quyền đánh thuế họ.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.