Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nhất trí kéo dài thêm thời gian tiếp tục đàm phán sau một cuộc điện đàm khẩn ngày 13-12.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra, hai bên nhấn mạnh: “Mặc dù đã gần như kiệt sức sau gần một năm đàm phán và thực tế là thời hạn đàm phán đã bị bỏ qua nhiều lần, chúng tôi vẫn nghĩ rằng tại thời điểm này, hai bên cần có trách nhiệm phải đi xa hơn. Theo đó, chúng tôi đã yêu cầu các nhà đàm phán của mình tiếp tục các cuộc đàm phán và xem liệu có thể đạt được một thỏa thuận dù ở giai đoạn muộn này hay không”. Cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost ngày 13-12 cũng tới trụ sở của EC ở Brussels, Bỉ để gặp người đồng cấp EU Michel Barnier về vấn đề này. Một ngày trước đó, ông David Frost và ông Michel Barnier đã gặp nhau tại trụ sở của EC nhưng không có tiến bộ nào được ghi nhận.
 |
Một đồng hồ đếm ngược đến ngày nước Anh chính thức rời thị trường chung châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Như vậy, hai bên sẽ có thêm một cơ hội để cùng ngồi lại thay vì hạn chót ban đầu cho số phận của thỏa thuận tương lai là trong ngày 13-12. Dù không đưa ra hạn chót mới thì quỹ thời gian đàm phán đang rất ít. Kể từ khi bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên vào tháng 3 năm nay, các quan chức của EU và Anh hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Cho đến nay, hai bên còn tồn tại bất đồng về một số vấn đề then chốt, bao gồm đánh bắt cá, các quy định cạnh tranh hay giải quyết tranh chấp. Rõ ràng, cả EU và Anh đều muốn tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận trong lúc lục địa già đang chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, quan điểm cứng rắn của Brussels và London lại tạo thách thức cho tiến trình đàm phán. Đơn cử, EU muốn Anh cam kết những quy định của London trong các lĩnh vực như: Viện trợ nhà nước, tiêu chuẩn về xã hội và việc làm hay chính sách thuế... không khác quá xa so với quy định của Brussels. Ngược lại, Chính phủ Anh cho rằng một nhượng bộ như vậy sẽ làm tổn hại đến chủ quyền của nước này. Về lĩnh vực thủy sản, mục tiêu cuối cùng của EU là duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể với mối quan hệ hiện có; trong khi Anh lại dự định đàm phán hằng năm về hạn ngạch với các nước thành viên EU.
Khi mà “giờ G” 1-1-2021, thời điểm mà nước Anh chính thức rời thị trường chung châu Âu đang rất cận kề, thì triển vọng về một Brexit có thỏa thuận lại ngày càng mờ mịt. Thậm chí, những phát ngôn từ lãnh đạo hai phía cũng đã thể hiện dự cảm chẳng lành cho điều này. Ngày 12-12, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố rằng “rất, rất nhiều khả năng” các cuộc đàm phán sẽ thất bại. “Có thách thức nhưng cũng có cơ hội cho các doanh nghiệp Anh. Họ sẽ có tầm nhìn toàn cầu hơn”, Thủ tướng Anh nhận định. Báo chí Anh cũng cho biết, các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh đã sẵn sàng được triển khai để bảo vệ khu vực đánh bắt cá của nước này nếu Brexit không thỏa thuận. Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen cũng thông báo với các nhà lãnh đạo EU rằng ít có cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại với Anh cho giai đoạn hậu Brexit. Trước khả năng này, Chủ tịch EC tuyên bố đã đề ra các biện pháp ứng phó, trong đó “EU sẵn sàng trao quyền tiếp cận thị trường cho phía Anh. Tuy nhiên, điều kiện phải công bằng đối với người lao động và doanh nghiệp EU”. Có thể nói, chủ trương của London và Brussels đang là không chấp nhận vượt “lằn ranh đỏ” để bảo đảm các lợi ích của mình.
Trong trường hợp xấu nhất khi hai bên không chịu nhượng bộ lẫn nhau, quan hệ thương mại song phương hậu Brexit sẽ dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới với các biểu thuế cao hơn và thủ tục phức tạp hơn. Điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, rào cản mà chắc hẳn EU và Anh đã lường trước phần nào, nhất là khi hai bên còn phải tập trung nguồn lực đáng kể nhằm ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch Covid-19 và tìm cách chấn hưng nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.
Bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến lạc quan rằng EU và Anh sẽ “lách qua khe cửa hẹp” để đạt được thỏa thuận vào phút chót, tương tự như tiến trình Brexit trắc trở trong nhiều năm qua. “Tìm ra một giải pháp là khó khăn nhưng không phải bất khả thi. Đó là lý do EU tiếp tục các cuộc đàm phán, miễn là cánh cửa vẫn để mở, dù chỉ rất hẹp”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết.
VĂN HIẾU