ABC News ngày 9-3 dẫn tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, việc thiết lập hành lang viện trợ này là hành động phản ứng khẩn trước tình trạng tồi tệ mà dân thường ở Gaza đang phải gánh chịu.

leftcenterrightdel

Người dân Palestine khuân túi bột mì từ xe viện trợ gần một trạm kiểm soát của Israel ở thành phố Gaza, ngày 19-2.  Ảnh: Reuters 

Đây là sáng kiến của EU, được các đối tác phương Tây và Arab gồm Mỹ, Anh và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ủng hộ. Hành lang hàng hải này cho phép tăng cường vận chuyển viện trợ nhân đạo vào Gaza, vốn bị hạn chế nghiêm trọng trên các tuyến đường bộ do Israel kiểm soát hoàn toàn kể từ khi xung đột bùng nổ. 

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Cyprus Nikos Christodoulides, bà Ursula von der Leyen cho biết: “Hành lang hàng hải có thể giúp giảm bớt khó khăn cho người dân Gaza. Song song với đó, chúng tôi sẽ nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua các tuyến đường khác”. Nếu đi vào hoạt động, hành lang hàng hải có thể giúp các tổ chức nhân đạo cung cấp tới 2 triệu bữa ăn mỗi ngày cho người dân Gaza.

Cyprus nằm ven biển Địa Trung Hải, cách Gaza khoảng 400km về phía Bắc. Việc quốc đảo này tham gia hành lang hàng hải thể hiện “vai trò lịch sử là cầu nối giữa châu Âu và Trung Đông” của Cyprus, Reuters dẫn tuyên bố của bà Ursula von der Leyen.

Tuyên bố thiết lập hành lang hàng hải được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang năm 2024, trong đó xác nhận Washington sẽ dẫn đầu một “sứ mệnh khẩn cấp” nhằm thiết lập một “cảng biển tạm” trên bờ biển Gaza để tăng cường cung cấp viện trợ cho dân thường Palestine. Theo đó, sẽ "không có sự can thiệp của Mỹ trên mặt đất" trong quá trình xây dựng cảng, song động thái trên thể hiện một sự thay đổi quan trọng trong sự can dự của chính quyền Tổng thống Joe Biden vào cuộc khủng hoảng ở Gaza. 

Kế hoạch mở hành lang hàng hải vào Gaza ban đầu được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố tại một hội nghị của EU ở Brussels (Bỉ) vào năm ngoái. Tuy nhiên, Euronews cho hay, kế hoạch không thể thực hiện cho đến khi Mỹ can thiệp, sử dụng “sức mạnh ngoại giao” gây áp lực buộc đồng minh Israel phải đồng ý để bờ biển Gaza được sử dụng cho mục đích nhân đạo. Tính đến thời điểm hiện tại, bờ biển Gaza dài 40km không có cảng biển nào, khiến việc vận chuyển hàng hóa qua đường biển tới đây là bất khả thi.

Kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ, Israel đã thắt chặt kiểm soát tất cả hàng hóa vào Gaza với lý do bảo đảm không mặt hàng nào có thể được Hamas “tái sử dụng cho mục đích quân sự”. Phản ứng trước việc mở hành lang hàng hải, Israel tuyên bố ủng hộ kế hoạch này và cho hay đã phê duyệt các cơ chế thực hiện do Cyprus đề xuất, không quên nhấn mạnh, Israel sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát: “Hàng viện trợ sẽ được chuyển tới Gaza chỉ sau khi việc kiểm tra an ninh được thực hiện phù hợp với các tiêu chuẩn của Israel".

Theo dự kiến, chuyến tàu đầu tiên chở 200 tấn gạo, bột mì, các loại thực phẩm và suất ăn do tổ chức phi lợi nhuận World Central Kitchen cung cấp đang chuẩn bị rời cảng Larnaca của Cyprus. 500 tấn hàng hóa cho loạt tiếp theo cũng đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào hàng viện trợ tới được người dân Gaza, khi mà việc thiết lập “cảng biển tạm” mới ở giai đoạn đầu và "có thể mất tới 60 ngày" để hoàn thành, với sự tham gia của khoảng 1.000 binh sĩ, theo Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder. Trong khi đó, nhiều tổ chức viện trợ quốc tế cho rằng, các cuộc thảo luận về mở tuyến đường trên không và trên biển để đưa viện trợ vào Gaza chỉ “làm xao nhãng dư luận” trước “thực tại cay đắng”, rằng Israel đang chặn toàn bộ các tuyến đường bộ sẵn có. Còn theo Điều phối viên Liên hợp quốc tại Gaza Sigrid Kaag, việc vận chuyển viện trợ bằng đường biển và đường không không thể thay thế cho viện trợ đường bộ: “Viện trợ đường bộ dễ hơn, nhanh hơn và chi phí thấp hơn, lại có sẵn, đặc biệt là khi chúng ta thấy rõ cần phải duy trì viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza không chỉ trong ngày một ngày hai”.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.