Theo RIA Novosti, ngày 14-10, phát biểu với báo chí trước khi bắt đầu cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thành viên EU tại Luxembourg, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell nhấn mạnh: “Có sự chia rẽ nghiêm trọng về vấn đề ngừng cung cấp vũ khí cho Israel. Chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề này”. Ông Borrell lưu ý, một số nước ủng hộ, trong khi đó một số nước lại phản đối. Ông Peter Stano, đại diện Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu, cho biết, để đưa ra lệnh ngừng cung cấp vũ khí cho Israel, cần phải có sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên EU.

Trong số các nước thành viên EU, Pháp là nước đang ủng hộ mạnh mẽ việc ngừng cung cấp vũ khí cho Israel. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, việc cắt nguồn cung cấp vũ khí được Israel sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào dải Gaza và Lebanon là “đòn bẩy duy nhất” cho lệnh ngừng bắn.

 Xe tăng của quân đội Israel di chuyển ở gần biên giới với Lebanon, ngày 1-10. Ảnh: AP

Ngày 11-10, tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các quốc gia EU ở Địa Trung Hải (MED9) ở thành phố Paphos của Síp, ông Macron lưu ý: “Pháp đã kêu gọi chấm dứt xuất khẩu vũ khí được sử dụng ở những nơi có xung đột. Tất cả chúng ta đều biết rằng đây là đòn bẩy duy nhất có thể chấm dứt tình trạng này hiện nay”. Đây không phải lần đầu tiên ông Macron đưa ra quan điểm trên. Ngày 5-10, trên đài phát thanh France Inter, nhà lãnh đạo Pháp cho rằng việc ngừng cung cấp vũ khí cho Israel là ưu tiên hàng đầu hướng tới giải pháp chính trị cho xung đột tại Trung Đông. Cùng lập trường với Pháp, Tây Ban Nha cũng kêu gọi ngừng bán vũ khí cho Israel.

Tại Hội nghị thượng đỉnh MED9, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh: “Tây Ban Nha chia sẻ đề xuất của cộng đồng quốc tế về việc ngừng cung cấp vũ khí cho Israel. Tây Ban Nha đã không làm điều này trong một thời gian dài. Chúng tôi đã không bán vũ khí cho Israel kể từ khi bắt đầu xung đột với quan điểm rất đơn giản: Không có vũ khí thì không có chiến tranh”. 

Trong khi đó, phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng Đức chưa bao giờ ngừng xuất khẩu vũ khí sang Israel và sẽ tiếp tục xuất khẩu vũ khí trong tương lai. Tuy nhiên, theo The Guardian, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã yêu cầu Israel đưa ra bảo đảm bằng văn bản rằng vũ khí của Đức sẽ không được sử dụng để thực hiện hành vi diệt chủng. Trước đó, bà Baerbock từng thông báo rằng Đức không cung cấp cho Israel vũ khí có thể sử dụng trong cuộc tấn công nhằm vào Gaza.

Israel đang hứng chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì các cuộc tấn công dữ dội nhằm vào dải Gaza và Lebanon, khiến nhiều người dân vô tội bị thiệt mạng và mất nhà cửa trong bối cảnh căng thẳng với lực lượng Hamas và Hezbollah. Các cuộc tấn công của Israel cũng khiến một số nhân viên Liên hợp quốc (LHQ) làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Lebanon bị thương.

Sau khi xe tăng của quân đội Israel phá hủy cổng vào căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Lebanon (UNIFIL), ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, người đứng đầu LHQ đã chỉ trích mạnh mẽ những hoạt động quân sự. Ông Guterres cho rằng những hành động quân sự này vi phạm luật lệ quốc tế và có thể cấu thành tội ác chiến tranh. Về phần mình, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Borrell nhấn mạnh những cuộc tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hoàn toàn không thể chấp nhận được. EU đang chờ đợi lời giải thích và một cuộc điều tra toàn diện từ chính quyền Israel về các cuộc tấn công nhằm vào UNIFIL.

LÂM ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.