Người đầu bếp 76 tuổi cho biết, cách nấu ăn không lãng phí này đã thay đổi cuộc sống của người dân ở đây. “Vỏ khoai tây, vỏ đậu Hà Lan, vỏ cà rốt, thậm chí là vỏ tỏi tây và gừng sẽ không bị vứt đi mà được sử dụng để chế biến các món ăn”, bà Santos cho hay.
 |
Bà Isabel Santos chuẩn bị món salad bằng các loại vỏ củ quả. Ảnh: AFP |
Bà Santos là một trong nhiều phụ nữ khác ở Lima được đầu bếp Palmiro Ocampo đào tạo kiểu nấu ăn tận dụng tối đa vỏ củ, quả để tránh lãng phí thực phẩm. Theo quan điểm nấu ăn của ông Ocampo, “không có chất thải” trong nhà bếp, thực phẩm phải được sử dụng nguyên vẹn để không làm mất đi giá trị dinh dưỡng.
Hiện nay, mỗi suất ăn ở quán Maria Parado được bán với giá 1,3USD, trong đó có các món như: Thân bông cải xanh xay nhuyễn, cơm trộn với vỏ đậu, vỏ chanh và vỏ cần tây. Demosthenes Parinan, một tài xế xe ôm, hài lòng sau khi thưởng thức suất cơm của quán Maria Parado: “Tôi thấy món salad ở quán rất ngon và bổ dưỡng”, ông Parinan nói.
Trong khi đó, bà Anita Clemente, 48 tuổi, chủ một quán ăn khác ở Lima, cho biết kiểu nấu ăn này đã giúp bà tạo ra những món ăn tốt cho sức khỏe. Theo bà Clemente, với phương pháp chế biến thực phẩm này, các gia đình ở Lima đã tiết kiệm tiền bằng cách tiêu thụ mọi thứ họ mua ở chợ.
Theo một nghiên cứu được công bố vào cuối tháng 3 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong năm 2022, mỗi ngày các hộ gia đình trên thế giới đã vứt bỏ 1 tỷ bữa ăn, trong khi 800 triệu người bị đói.
Để chống lại mức độ lãng phí này, từ năm 2018, đầu bếp Ocampo đã chia sẻ công thức nấu ăn tận dụng toàn bộ nguyên liệu thực phẩm với các quán ăn trong các khu dân cư nghèo ở Lima, nơi có nhiều trẻ em và người già bị suy dinh dưỡng. “Vỏ chuối rất giàu magie, kẽm và vỏ đậu chứa nhiều sắt”, đầu bếp người Peru nhấn mạnh. Công thức nấu ăn trên của ông đã giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, căn bệnh ảnh hưởng đến 43% trẻ em Peru dưới 5 tuổi.
PHƯƠNG LINH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.