Với những thợ máy làm việc tại đại lý xe hơi Rosier ở thành phố Braunschweig, miền Bắc nước Đức, mặc áo phông giữa mùa đông lạnh giá từng là điều khá bình thường, bởi xưởng làm việc của họ luôn được sưởi ấm. Tại đại lý xe hơi của Mercedes, nếu hệ thống sưởi không đủ ấm, nhân viên được phép bật thêm quạt sưởi. Nhưng đó là dĩ vãng.

Tại thời điểm này, quạt sưởi bị cấm sử dụng và thay vì giữ nhiệt độ sưởi ấm ở khoảng 20 độ C như trước đây, nay mức sưởi ấm ở xưởng sẽ không được vượt quá 15 độ C. Stefan Becker, chủ một đại lý xe hơi cho biết: “Khí đốt và điện “ngốn” của chúng tôi nhiều hơn 2 triệu USD mỗi năm so với trước đây”.

 Công nhân tại nhà máy lắp ráp BMW ở Leipzig (Đức). Ảnh: The Telegraph

Tiệm bánh Plaz của Đức vốn là một doanh nghiệp gia đình được thành lập vào năm 1890 tại một ngôi làng gần Stuttgart, Tây Nam nước Đức, nổi tiếng với các sản phẩm bánh ngọt và bánh nướng. Tobias Plaz là thợ làm bánh bậc thầy thế hệ thứ tư.

Nhưng hiện tại, Plaz không chắc mình có thể tiếp tục kinh doanh hay không. Cuối tháng 8, ông nhận được thông báo từ nhà cung cấp khí đốt. Thay vì chi trả 719USD mỗi tháng, kể từ tháng 10, ông sẽ phải trả 2.588USD cho hệ thống sưởi và nước nóng.

Số tiền đó thậm chí còn chưa bao gồm chi phí nhiên liệu vận hành lò nướng vì Plaz đã ký hợp đồng khí đốt bảo đảm giá cũ đến hết năm. Song nếu giá gas tiếp tục tăng, Plaz có thể phải chi trả hóa đơn gas hằng năm là 42.000USD, riêng cho vận hành lò nướng, so với mức 12.000USD hiện tại.

Plaz đã đăng bức thư của nhà cung cấp khí đốt trên Facebook và Instagram với bình luận: “Chúng tôi muốn chia sẻ điều này với bạn để bạn hiểu tại sao chúng tôi phải tăng giá sản phẩm”. Ông viết thêm: “Giá điện và giá nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng. Nó sẽ kết thúc ở đâu? Thưa các chính trị gia ở Stuttgart và Berlin, khi nào thì các ngài mới thức tỉnh?”.

Một khảo sát của Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) cho thấy 58% công ty mô tả chi phí năng lượng bùng nổ là “một thách thức lớn” và 34% nói rằng nó đang đe dọa sự tồn tại của họ. Theo BDI, gần 1/10 công ty ở Đức đã cắt giảm hoặc thậm chí đình chỉ sản xuất.

Rainer Dulger, Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội Người lao động Đức (BDA) cảnh báo: “Chúng ta đang rơi vào tình hình kinh tế khó khăn, phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát gia tăng, giá năng lượng quá lớn và sự thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu thô, các sản phẩm trung gian và các hàng hóa khác”.

Thực tế phơi bày một nghịch lý: Nhiều doanh nghiệp đã kiếm được đơn hàng, song chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tình trạng thiếu nguyên liệu từ khắp nơi trên thế giới khiến doanh nghiệp không thể hoàn thành đơn hàng. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt lao động có kỹ năng đang trầm trọng hơn bao giờ hết, giá năng lượng thì tăng cao ở mức “không thể chi trả được”. 

Nếu khách hàng không ủng hộ việc tăng giá, các nhà sản xuất buộc phải cắt giảm hoạt động kinh doanh hoặc ngừng sản xuất. Và cái vòng luẩn quẩn xuất hiện: Hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ sẽ dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và lâm vào tình trạng phá sản.

Đơn cử, nhà sản xuất giấy vệ sinh Hakle đã đệ đơn xin phá sản, sau khi chứng minh chi phí sản xuất tăng mà giá bán lẻ không thể bù đắp được. Công ty thép Arcelor Mittal đã đóng cửa hai nhà máy sản xuất ở miền Bắc nước Đức, hàng loạt công nhân mất việc và Chính phủ Đức sẽ phải chi cho họ khoản tiền trợ cấp thất nghiệp.

Trước những khó khăn chồng chất, cộng đồng doanh nghiệp đang kêu gọi sự hỗ trợ nhanh chóng từ Chính phủ Đức. Tuy nhiên, các gói cứu trợ hiện tại gồm trợ cấp chi phí sưởi ấm, tăng trợ cấp cho trẻ em và vé giao thông công cộng 9 euro, cho đến nay chủ yếu tập trung hỗ trợ người dân chứ không phải doanh nghiệp.

Sau khi hứng chịu những phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vừa qua đã tuyên bố mở rộng bảo hộ cho các công ty, đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ cũng như các ngành nghề đòi hỏi lao động có tay nghề cao.

Tuy nhiên, đối với việc kiềm chế giá nhiên liệu, hiện tại Chính phủ Đức vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nào. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, Đức sẽ hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga. Nhờ các cơ sở nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) dự kiến hoàn thiện vào thời điểm đó, lượng khí đốt cần thiết sẽ được Đức nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Nước này cũng sẽ nhập khẩu nguyên liệu thô từ Na Uy, Mỹ và nhiều nước khác. Theo tuyên bố của ông Habeck, bắt đầu từ tháng 10, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản lượng để tiết kiệm khí đốt sẽ được hỗ trợ tài chính, cho đến khi các nỗ lực của châu Âu nhằm kiềm chế giá điện và khí đốt có hiệu lực.

HÀ PHƯƠNG