Kế hoạch ban đầu

Ngày 11-1, Hội nghị chuyên đề quốc gia lần thứ 34 của Hiệp hội Hải quân Mỹ đã được tổ chức. Trong sự kiện này, nhiều vấn đề khác nhau về sự phát triển hơn nữa của lực lượng mặt nước đã được xem xét, trong đó có các dự án chế tạo tàu chiến đầy hứa hẹn. Đặc biệt, người đứng đầu chương trình này là David Hart đã trình bày báo cáo về Dự án chiến hạm DDG (X) tương lai.

Ông David Hart cho biết tàu khu trục mới này được dùng để thay thế các tàu chiến hiện có và cả chiến hạm lớp Arleigh Burke. Theo kế hoạch, vào đầu thập kỷ 2030, các tàu khu trục DDG (X) sẽ được bổ sung vào các đơn vị chiến đấu của hải quân.

DDG (X) là “Chương trình Khu trục tên lửa có điều khiển thế hệ tiếp theo”, được xem là dự án phát triển nối tiếp của lớp Arleigh Burke. Chúng sẽ khắc phục những hạn chế của lớp tàu trước đó, cũng như áp dụng những giải pháp mới mang tính cách mạng. Tất nhiên, cách tiếp cận công nghệ mới này sẽ được xem xét một cách thận trọng, rút kinh nghiệm từ thất bại của dự án Zumwalt.

Chiến hạm tương lai của Dự án DDG (X). Ảnh: Topwar 

Trong quá trình phát triển dự án, các đề xuất đưa ra nhằm tạo một nền tảng tàu bề mặt với các đặc điểm cần thiết cho chiến tranh hiện đại và thuận lợi cho quá trình hiện đại hóa.

Hiện tại, Hải quân Mỹ bắt đầu phát triển bản dự thảo sơ bộ của Dự án DDG (X). Trong vài năm tới, phiên bản cuối cùng của dự án sẽ được tạo ra, sau đó những chiến hạm đầu tiên sẽ được đóng. Dự kiến tàu khu trục dẫn đầu sẽ hoàn thành vào năm 2028. Đầu những năm 2030, con tàu sẽ được biên chế vào hải quân.

Tuy nhiên, toàn bộ kế hoạch và thời gian xây dựng của dự án vẫn chưa được tiết lộ. Và vẫn chưa rõ kế hoạch cụ thể cho những con tàu tiếp theo của dự án DDG (X).

Khả năng chiến đấu

Trong báo cáo về Dự án DDG (X), tất cả các đặc điểm chính của con tàu tương lai đã được trình bày. Nhìn bề ngoài, thân tàu có phần mũi mở rộng kéo dài theo kiểu truyền thống và các bên không có lỗ hở. Tàu được xây dựng theo cấu trúc thượng tầng, trang bị các thiết bị vô tuyến-điện tử cần thiết, và một khu chứa máy bay trực thăng.

Dự án phải tuân theo các yêu cầu SWAP-C (về kích thước, trọng lượng, công suất, chi phí). Tàu phải có các khoang để lắp đặt tất cả các thiết bị cần thiết.

Trong dự án DDG (X), các yêu cầu tăng khả năng tàng hình của tàu gấp 2 lần hoặc nhiều hơn so với lớp tàu Arleigh Burke hiện tại. Đồng thời cần cải thiện hiệu suất và khả năng sống sót.

Ngoài ra, các tàu chiến này sẽ có nhà máy điện mới và các hệ thống liên quan hiện đại. Hải quân Mỹ muốn tăng phạm vi hành trình thêm 50% hoặc hơn các tàu lớp Arleigh Burke (hơn 7.000km). Bên cạnh đó, thời gian tuần tra trong một khu vực nhất định đạt 120% và giảm 25% lượng nhiên liệu so với các tàu khu trục của Hải quân Mỹ hiện nay.

Hải quân Mỹ muốn có được một chiến hạm đa năng, tương tự như lớp Arleigh Burke. Chúng có thể giải quyết các nhiệm vụ phòng không, chống ngầm, cũng như thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu khác nhau. Đồng thời, phải đảm bảo vượt trội hơn ở tất cả các đặc điểm chính so với các tàu chiến Mỹ hiện có.

Thiết kế ban đầu của tàu chiến dẫn đầu Dự án DDG (X). Ảnh: Topwar 

Dự án DDG (X) được lên kế hoạch sử dụng radar đa năng AN/SPY-6 (V) 1 AMDR. Con tàu cũng sẽ nhận được radar giám sát và điều khiển hỏa lực AN/SPQ-9B, sau đó có thể được thay thế bằng loại FXR hiện đại.

Chiến hạm Dự án DDG (X) sẽ trang bị 2 bệ phóng Mk 41, với 32 ống phóng. Chúng được bố trí ở mũi tàu và nằm giữa các cấu trúc thượng tầng. Ngoài ra, một bệ phóng thống nhất có đường kính lớn hơn dự kiến sẽ được sử dụng trong tương lai. Theo đó, thay cho bố trí 16 ô tên lửa cho Mk 41, có thể đặt 12 ô loại này.

Con tàu trong cấu hình cơ bản có thể sử dụng toàn bộ các loại vũ khí tên lửa tương thích với Mk 41. Chúng có thể là tên lửa tấn công, chống hạm, phòng không và các loại tên lửa khác. Ngoài ra có thể sử dụng các tên lửa siêu thanh hoặc tên lửa đạn đạo khác trong tương lai.

Nhiệm vụ phòng thủ khu vực gần do 2 hệ thống tên lửa phòng không RIM-116 RAM đảm nhận, với 21 tên lửa mỗi hệ thống. Trong tương lai, chúng có thể được bổ sung hoặc thay thế bằng các tổ hợp laser chiến đấu, với công suất 600 kW.

Triển vọng tương lai

Dữ liệu về Dự án tàu khu trục DDG (X) được công bố gần đây đang rất được quan tâm. Sự chú ý không chỉ hướng về các đặc tính chiến đấu hay các thành phần mới được đề xuất, mà là các phương pháp tiếp cận chính được sử dụng trong việc định hình diện mạo của con tàu.

Hải quân Mỹ có nhiều kinh nghiệm đóng và vận hành các tàu khu trục Arleigh Burke. Ngoài ra, họ còn rút nhiều bài học từ dự án Zumwalt trước đó. Do đó, họ đã quyết định sử dụng phương pháp tiếp cận tiên tiến trong Dự án DDG (X), đồng thời loại trừ những ý tưởng và giải pháp quá phức tạp, táo bạo.

Sự “khiêm tốn” trong giai đoạn đầu của dự án này không làm giảm ý đồ phát triển tiếp theo, với các nguyên mẫu và ý tưởng phức tạp hơn. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ sẽ thận trọng trong quá trình này và sẽ không vội vàng tăng tốc độ khi chúng có thể đe dọa dự án hoặc chương trình đóng tàu.

Theo các chuyên gia, cách tiếp cận trên có vẻ hợp lý, cho phép Hải quân Mỹ đạt được các kết quả mong muốn, ít nhất là trong việc thiết kế và chế tạo phiên bản đầu tiên của tàu khu trục DDG (X).

Một báo cáo gần đây cho thấy, DDG (X) có thể là dự án tàu chiến hiện đại và phù hợp, với khả năng tác chiến rộng. Và trong tương lai, chúng có thể thực hiện các bước nâng cấp theo ý định rõ ràng.

Nhìn chung, dự án DDG (X) đang ở mức phác thảo sơ bộ. Song nó mang lại cho Lầu Năm Góc những lý do lạc quan nhất định và cho phép đưa ra những kế hoạch thực tế cho tương lai. Lớp tàu chiến mới này có thể lặp lại thành công như lớp Arleigh Burke hiện có hay không vẫn là một ẩn số. Kết quả thực sự của dự án DDG (X) sẽ chỉ xuất hiện trong 10-12 năm nữa.

MINH TUẤN (theo Topwar)