Reuters cho biết, Đức đang nỗ lực đẩy nhanh việc mua sắm vũ khí và tăng cường nguồn cung đạn dược dài hạn trong bối cảnh kho dự trữ quân sự của nước này bị cạn kiệt sau một năm viện trợ vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, tiến độ bổ sung kho dự trữ nói trên được thừa nhận là “còn chậm chạp” mặc dù hồi năm ngoái Đức đã thành lập một quỹ đặc biệt 100 tỷ euro (tương đương 107 tỷ USD). “Trong bối cảnh hiện nay, đến cuối năm 2023, 2/3 quỹ đặc biệt nói trên sẽ bị ràng buộc theo các hợp đồng mua sắm. Số tiền còn lại sẽ được phân bổ cho các hợp đồng khác trong quý I của năm sau”, Reuters dẫn lời Giám đốc cơ quan mua sắm quốc phòng Đức.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới thăm một đơn vị quân đội của nước này, tháng 10-2022. Ảnh: Reuters

Giới chức Đức nhiều lần thừa nhận quân đội nước này trong nhiều năm qua “thiếu được quan tâm”, đặc biệt là các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế “trở nên già cỗi, hoạt động kém hiệu quả”. Theo AFP, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Đức đã giảm đáng kể quy mô quân đội của nước này, từ quân số khoảng 500.000 người vào năm 1990 xuống chỉ còn 200.000 người như hiện nay. Một báo cáo được công bố hồi cuối năm 2021 về tình hình quân đội Đức cho thấy, có chưa tới 30% các tàu hải quân Đức “đủ khả năng hoạt động hoàn toàn” trong khi nhiều máy bay chiến đấu của nước này “không đủ điều kiện để bay”. Trong bối cảnh như vậy, hồi tháng 6-2022, Quốc hội Đức đã thông qua quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro nằm ngoài ngân sách quốc gia để phục vụ việc mua sắm quốc phòng. AFP cho biết, cùng với việc mua sắm trang thiết bị cho quân đội, quỹ đặc biệt còn cho phép Đức đạt được mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc dành 2% GDP cho quốc phòng “trong vài năm tới”. Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố quỹ đặc biệt sẽ “tăng cường đáng kể” an ninh của Đức và các đồng minh NATO, sớm đưa Đức trở thành quốc gia sở hữu lực lượng quân đội lớn nhất trong số các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu.  

Trong khi đó, theo DW, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng quỹ đặc biệt 100 tỷ euro là chưa đủ, đồng thời kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng thêm 10 tỷ euro mỗi năm. Số tiền tăng thêm này sẽ dành cho việc tăng lương và mua sắm vũ khí, đạn dược, góp phần hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa quân đội mà chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đặt ra. Ngân sách thường xuyên cho quốc phòng hiện nay của Đức vào khoảng 50 tỷ euro. Theo Bộ trưởng Pistorius, ngân sách quốc phòng của Đức trong năm 2024 tới cần đạt khoảng 60 tỷ euro. Bộ Quốc phòng Đức xác định việc mua sắm quốc phòng cần phải đẩy nhanh hơn nữa; nêu rõ thời gian là yếu tố ưu tiên cao nhất hiện nay và “hiệu quả tức thời là để cung cấp cho quân đội càng sớm càng tốt các trang thiết bị mới”. DW dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình ZDF công bố hồi đầu tháng 3-2023 cho thấy, có 62% người dân Đức bày tỏ ủng hộ đầu tư hơn nữa cho quân đội dù chính phủ có phải cắt giảm chi tiêu ở những lĩnh vực khác hoặc thậm chí là vay mượn thêm.

VŨ HOÀNG