Năm 2006 đã trôi qua với hàng loạt biến động chính trị - xã hội ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới. Từ vòng xoáy vận động phức tạp và tiềm tàng nhiều bất ổn đó, bên cạnh những lạc quan về một năm mới đầy ắp thịnh vượng và ấm no, tờ “Thời báo châu Á” mới đây đã cho thấy những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt trong năm 2007.

Lạm phát tăng, đồng USD giảm giá

Phân tích của “Thời báo châu Á” cho thấy, tình hình chính trị toàn cầu vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn trong năm 2007. Nguy cơ xảy ra nội chiến ở I-rắc, mâu thuẫn giữa Mỹ và I-ran xung quanh vấn đề hạt nhân, xung đột leo thang giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, cuộc trấn áp bạo lực vất vả của NATO ở Áp-ga-ni-xtan, bất ổn ở Xu-đăng, Xô-ma-li, Công-gô cùng bóng ma của chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự ổn định của giá cả hàng hoá quốc tế (ngũ cốc, năng lượng và kim loại quý). Khả năng gián đoạn thường xuyên hơn trong quá trình cung cấp năng lượng tại Trung Đông và châu Phi, cùng với sự sụt giảm sản lượng dầu khai thác tại các mỏ dầu lớn nhất thế giới, sẽ khiến cho khí đốt tự nhiên và dầu thô tăng giá.
Giá vàng trong năm 2007 sẽ lên xuống thất thường như năm 2006? (ảnh: Internet).

Giá của các mặt hàng ngũ cốc cũng được dự báo là sẽ tăng gấp đôi do nhu cầu tìm kiếm năng lượng sinh học từ ngô, lúa mỳ, đậu tương và các loại ngũ cốc khác nhằm thay thế cho khí đốt đang ngày càng khan hiếm. Đó là chưa kể tới các mặt hàng thực phẩm khác được dự báo là cũng tăng giá. Trong khi đó, giá năng lượng và thực phẩm tăng được cho là sẽ tác động mạnh hơn tới lạm phát ở Mỹ so với ở châu Âu và Nhật Bản. Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, lạm phát ở Mỹ sẽ cao hơn hầu hết các nước khác trong năm 2007 và chi phối tới tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu.

Lạm phát gia tăng khiến đồng USD của Mỹ có nhiều khả năng sẽ giảm giá ít nhất 20% so với đồng yên Nhật, đồng tiền chung châu Âu ơ-rô và đồng bảng Anh trong năm 2007. Đồng USD cũng sẽ sụt giá so với đồng tiền của các thị trường xuất khẩu mới nổi tại châu Á. Việc đồng USD giảm giá sẽ khiến một số nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản điều chỉnh nâng giá đồng tiền nội địa để kìm chế lạm phát. Việc nâng giá đồng nhân dân tệ so với USD cũng góp phần bù đắp tác động của sự tăng giá năng lượng và ngũ cốc đối với lạm phát.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản có thể sẽ giảm xuống dưới mức 1,5% trong năm 2007 do khu vực xuất khẩu yếu. Không chỉ phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, Nhật Bản còn phải nhập khẩu ngũ cốc và thịt để đáp ứng nhu cầu trong nước. Sự phụ thuộc này sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Nhật nâng tỷ giá đồng yên trước đồng USD để kiểm soát lạm phát.

Dầu khí vẫn giữ vai trò đầu tầu

Bên cạnh dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay, “Thời báo châu Á” nhận định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế chung ở khu vực Đông Nam Á và châu Mỹ La-tinh cũng sẽ suy giảm nhiều do chịu tác động không nhỏ từ những biến động trên thị trường Mỹ. Ngoài ra, nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố gây mất ổn định chính trị, xã hội tại Ấn Độ, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin sẽ gây ra tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng những quốc gia này sẽ trở thành nhóm thu hút đầu tư kém nhất châu Á trong năm 2007.

Cũng trong năm nay, tăng trưởng kinh tế ở khu vực Mỹ La-tinh được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do suy giảm của nền kinh tế Mỹ. Tăng trưởng kinh tế ở Bra-xin, Cô-lôm-bi-a và Pê-ru cũng sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2007. Tuy nhiên, chỉ có khu vực xuất khẩu của Bra-xin sẽ được hưởng lợi do giá ngũ cốc tăng vọt vì Bra-xin là nước xuất khẩu nông sản năng suất cao.

Ngoài ra, chỉ số chứng khoán tại các nước này sẽ xuống giá theo biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ. Còn ở khu vực Nam Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Vê-nê-xu-ê-la, Ê-cu-a-đo và Ác-hen-ti-na sẽ được bảo đảm do có được sự hỗ trợ từ việc tăng giá hàng hóa toàn cầu. Hiện nay, các quốc gia Nam Mỹ này đều có thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu dầu mỏ.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ ít bị ảnh hưởng nhất do sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ trong năm 2007. Chính sách tiền tệ của EU sẽ được thắt chặt hơn, tạo cơ sở cho việc nâng giá tiền tệ. Chính sự liên kết về kinh tế một cách chặt chẽ giữa các thành viên EU sẽ bảo vệ khu vực tránh được sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế như các khu vực còn lại trên thế giới. Riêng đối với Nga, nhờ có thế mạnh về xuất khẩu dầu khí, tăng trưởng của quốc gia này sẽ tiếp tục đứng vững trong năm 2007.

PHẠM CHU