Alaa từng tốt nghiệp Đại học Baghdad chuyên ngành thiết kế thời trang. Ước mơ của cô là mở một cửa hàng thời trang sau khi ra trường. Tuy nhiên, hành trình thực hiện ước mơ của Alaa gặp vô vàn khó khăn. “Tôi đã nói chuyện với người bảo trợ và các tổ chức hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa nhưng ý tưởng của tôi đã bị từ chối một cách có hệ thống. Họ cho rằng tôi không có kinh nghiệm thiết kế các dự án”, Alaa chia sẻ.

Nhà thiết kế thời trang Alaa Adel chia sẻ về hành trình thực hiện ước mơ của mình.  Ảnh: AFP

May mắn cho Alaa, nhờ sự hỗ trợ tài chính của Quỹ The Station của Iraq và chương trình Ra'idat (doanh nhân) của Đại sứ quán Pháp ở Baghdad, cô đã tự tin bắt đầu dự án của mình. Mùa hè năm 2022, Alaa đã biến ước mơ thành hiện thực bằng việc ra mắt cửa hàng thời trang “Iraqcouture” với thương hiệu Alaa Adel. Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại. Khi mới thành lập công ty, Alaa vấp phải sự định kiến phân biệt giới tính của một số nhà cung cấp tại chợ vải Baghdad, những người rất miễn cưỡng kinh doanh với phụ nữ.

Việc thiếu nhà trẻ cũng khiến dự án của cô bị chậm lại. “Ở Iraq có rất ít nhà trẻ bởi phần lớn phụ nữ phải ở nhà trông con cho đến khi chúng đủ tuổi đi học lớp 1. Tôi đã vượt qua thử thách trên nhờ bố mẹ chồng và chồng đồng ý chăm sóc hai con trai khi tôi đi làm”, Alaa giãi bày.

Nhưng Alaa chỉ là một trong số ít trường hợp ngoại lệ ở Iraq. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, khu vực công sử dụng 37,9% lực lượng lao động Iraq, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, khu vực tư nhân vẫn đang ở giai đoạn phôi thai nên các bước thành lập doanh nghiệp vô cùng khó khăn.

Cũng theo báo cáo của ILO, có khoảng 13 triệu phụ nữ Iraq ở độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 1 triệu người tham gia thị trường lao động, chiếm 10,6%, rất thấp so với 68% của nam giới. Trong thế giới việc làm, phụ nữ Iraq chủ yếu làm trong lĩnh vực dạy học hoặc y tá, rất ít người làm cảnh sát hoặc hoạt động trong lực lượng vũ trang.

Cô Shumoos Ghanem, 34 tuổi, cũng từng trải qua những trải nghiệm cay đắng trước những định kiến xã hội đối với phụ nữ. Shumoos là người khởi xướng sáng kiến "Phụ nữ Iraq trong kinh doanh” và hiện là tư vấn nghề nghiệp cho phụ nữ qua internet.

Cô cho biết, hầu hết những người liên hệ với cô là các bà mẹ đã rời xa thị trường lao động trong một thời gian dài và chưa biết làm thế nào để quay lại. Do đó, ước mơ của Shumoos là mở một nhà hàng nhằm hỗ trợ chị em muốn làm việc trong lĩnh vực này.

THANH HẢI