Sau khi lớp học kết thúc lúc 3 giờ chiều, Ndeye Penda Soumaré (giáo viên Trường Tiểu học Guedel-Mbodji ở TP Kaolack của Senegal) bắt đầu buổi dạy thêm Toán ở một lớp học nhỏ. Cô bắt đầu đếm: “70, 71...” bằng tiếng Wolof. Đặc biệt, trao đổi giữa giáo viên và học sinh không phải bằng tiếng Pháp.

Kể từ tháng 12-2022, hai lớp tại Trường Tiểu học Guedel-Mbodji đã tham gia Chương trình dạy kèm "Ndaw Wune" (trong tiếng Wolof có nghĩa là “cho mọi trẻ em", còn tiếng Pulaar có nghĩa là "rất thành công”), sử dụng ngôn ngữ địa phương để lấp đầy những thiếu sót về môn Đọc và Toán của học sinh tiểu học.

Ở Senegal, bất chấp những sáng kiến từ thập niên 1970 nhằm tích hợp 6 ngôn ngữ địa phương (Wolof, Pulaar, Serer, Diola, Mandinka và Soninke) vào chương trình giáo dục tiểu học, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính. Hơn 90% trẻ em đi học bằng tiếng Pháp nhưng nhiều em không hiểu hoặc không nói được, đến mức trở thành trở ngại cho việc học, thậm chí là bỏ học. Theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA, năm 2017), chưa đến 10% trẻ em Senegal ở độ tuổi 15 đạt được trình độ thông thạo tối thiểu về các môn Đọc, Toán và Khoa học.

leftcenterrightdel
 Học sinh tham gia lớp học thêm ở quận Ouakam (thủ đô Dakar, Senegal). Ảnh: Reuters

Dựa trên thực tế trẻ em được dạy ngôn ngữ địa phương sẽ giúp khả năng đọc của trẻ đạt 30% sau khi kết thúc bậc tiểu học, tổ chức phi chính phủ Nghiên cứu và Giáo dục vì phát triển (ARED) đã xây dựng Chương trình "Ndaw Wune" vào mùa hè năm 2021.

Với ngân sách 600.000USD, đến nay, Chương trình "Ndaw Wune" được mở rộng đến 4 vùng của Senegal (gồm: Kaolack, Saint-Louis, Diourbel và Matam), 4.000 học sinh mẫu giáo và lớp 1 được hưởng lợi. Được dạy bằng 3 ngôn ngữ (Wolof, Serer và Pulaar), các lớp dạy kèm này kéo dài trong một năm học.

Theo đó, 3 lần/tuần, từ 16 đến 18 giờ, khoảng 20 học sinh lại tập hợp trong lớp nhỏ. Mỗi lớp được chia làm 3 nhóm, khi thầy giáo dạy một nhóm thì hai nhóm còn lại tự học bằng cách làm bài tập trong sách hướng dẫn bằng ngôn ngữ địa phương do ARED biên soạn.

Fatou Gueye Niass, trợ giảng của Chương trình “Ndaw Wune” ở Kaolack lưu ý: “Làm việc độc lập và theo nhóm nhỏ giúp các em hiểu bài nhanh hơn, cùng hỗ trợ nhau học”. Phương pháp dạy học linh hoạt này nhằm bảo đảm đến cuối năm học, tất cả học sinh đều nắm được những kiến thức cơ bản ở hai môn Đọc và Toán. Các em được đánh giá hằng tháng và có những tiến bộ rõ rệt.      

Với thành công của “Ndaw Wune”, ông Mamadou Ly, Giám đốc ARED hy vọng số lượng học sinh tham gia chương trình này sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2024. 

PHƯƠNG LINH