Theo hãng tin DW, Nga là nước xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ lớn nhất thế giới. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, 45% ngân sách liên bang của Nga trong năm 2021 dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt. Từ lâu, EU đã là khách hàng hàng đầu về dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến EU đẩy mạnh kế hoạch xa rời nguồn cung năng lượng từ Moscow. Khi những tháng ngày EU giữ vai trò khách hàng ruột mua năng lượng của Nga có thể sắp qua đi, Moscow cần tìm khách hàng mới để bảo đảm doanh số bán nhiên liệu.

Hiện tại, Nga có khả năng sẽ tập trung vào việc tăng doanh số bán dầu mỏ cho những quốc gia không áp dụng lệnh trừng phạt nhằm vào nước này do chiến dịch quân sự ở Ukraine. Về dầu mỏ, Trung Quốc là khách hàng ngoài châu Âu lớn nhất của Nga, chiếm phần lớn trong số 38% lượng dầu xuất khẩu của Nga được bán cho các nước trong khu vực châu Á và châu Đại Dương vào năm 2021.

Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Ảnh: DW 

Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Trung Quốc sau Saudi Arabia. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mục tiêu hàng đầu của Điện Kremlin trong những năm tới là vượt qua các đối thủ Trung Đông trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc.

Ông Fernando Ferreira, một nhà phân tích rủi ro địa chính trị ở Công ty Tư vấn năng lượng Rapidan, nhận định: “Điều thú vị trong thị trường năng lượng năm nay là cách Nga cố gắng dịch chuyển các mối quan hệ thương mại lâu đời từ Trung Đông sang Đông Á”.

Một mục tiêu lớn khác của Nga là tăng đáng kể lượng dầu mỏ xuất khẩu cho Ấn Độ. Với 1,38 tỷ dân, Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Trong đó, phần lớn lượng dầu tiêu thụ cần phải nhập khẩu. Lâu nay, Iraq, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là những nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Ấn Độ.

Mặc dù trong năm 2021, dầu mỏ từ Nga chỉ chiếm 2% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, song những thay đổi lớn có thể diễn ra trong năm nay. Kể từ tháng 3, lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga đã tăng lên đáng kể. Trong khi dầu mỏ của Nga hiện bị nhiều quốc gia phương Tây xa lánh, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ hy vọng có thể mua loại nhiên liệu này với giá chiết khấu cao.

Theo hãng tin RIA Novosti, Ấn Độ đã mua ít nhất 3 triệu thùng dầu Ural và Moscow sẵn sàng tăng nguồn cung. Tại cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ở New Delhi vào đầu tháng 4 này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ bất kỳ hàng hóa nào mà họ muốn. Chúng tôi sẽ tìm cách vượt qua những trở ngại do các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

Trước đó, Ấn Độ cho biết sẽ tăng cường nhập khẩu dầu của Nga. Truyền thông Ấn Độ cho hay, Nga đang bán dầu cho nước này theo mức giá giảm 20% so với mức giá thế giới.

Bất chấp những lời kêu gọi của Mỹ tránh giao dịch với Nga, New Delhi đã không tham gia vào việc gây áp lực cho Moscow bằng các lệnh trừng phạt. Các quan chức Ấn Độ nói rằng, các hợp đồng năng lượng là hợp pháp và nằm ngoài vấn đề chính trị.

Tiến sĩ kinh tế Leonid Khazanov cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, việc chặn nguồn cung vàng đen từ Nga sẽ chỉ dẫn tới sự thiếu hụt trên thị trường toàn cầu và làm tăng giá. Đây là điều người tiêu dùng châu Á không mong muốn”. Đối với Ấn Độ-quốc gia nhập khẩu 85% lượng dầu tiêu thụ, giá dầu thế giới tăng vọt là vấn đề nghiêm trọng. Do đó, hợp đồng mua bán dầu có chiết khấu đáng kể sẽ rất hữu ích với New Delhi.

Các quốc gia khác ở Nam Á và Đông Nam Á cũng thể hiện sự quan tâm tới dầu mỏ của Nga. Theo RIA Novosti, Nga đang thảo luận về hợp đồng bán dầu cho Indonesia và các nước khác trong khu vực. Bà Nicke Widyawati, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia PT Pertamina cho biết: “Hiện có cơ hội mua dầu với giá tốt. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Trung ương Indonesia”.

Công ty phân tích năng lượng Vortexa nhận định, dầu mỏ của Nga đang chuyển hướng sang châu Á. Trong tháng 3 vừa qua, xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu giảm 280.000 thùng/ngày, xuống còn 1,3 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, lượng dầu của Nga xuất khẩu sang châu Á tăng 220.000 thùng/ngày. Chuyên gia hàng đầu về năng lượng toàn cầu Daniel Yergin, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực", đánh giá: “Có vẻ như châu Á sẽ trở thành thị trường chính của dầu mỏ Nga”.  

LÂM ANH