Quê hương của búp bê Daruma là thành phố Takasaki. Hằng năm, hơn 80 thợ thủ công lành nghề ở đây đã miệt mài sản xuất ra hơn 1.700.000 con búp bê. Daruma thường được bán vào dịp lễ tết trong chùa hoặc tại các hội chợ gần chùa. Daruma có nhiều màu sắc khác nhau cho mọi người lựa chọn nhưng màu đỏ truyền thống vẫn được ưa chuộng nhất. Búp bê Daruma có hình tròn với nhiều kích cỡ khác nhau, được làm bằng giấy bồi. Người thợ sẽ dán từng lớp giấy bồi lên khung có sẵn, sau đó sơn và vẽ hoa văn trang trí lên. Nét đặc trưng của búp bê Daruma là đôi mắt to tròn, nhìn thẳng về phía trước thể hiện sự quyết tâm và lòng kiên định. Người ta thường viết chữ “Phúc”  lên bụng Daruma với ngụ ý cầu mong an lành, may mắn. Do phần đế được chế tạo nặng hơn phần trên nên khi đổ, búp bê Daruma sẽ ngay lập tức đứng thẳng dậy. Điều này tượng trưng cho sức mạnh nội tại và tinh thần ngoan cường, không bao giờ chịu đầu hàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào của người Nhật. Dù cho có vấp ngã, họ vẫn sẽ đứng dậy và đối diện với thử thách để thành công.

Búp bê Daruma. Ảnh: Getty Imager

Daruma được vẽ đầy đủ lông mày, mũi, ria mép nhưng đặc biệt đôi mắt luôn chỉ để tròng trắng, không vẽ lòng đen. Người Nhật quan niệm: “Hãy ước và vẽ lên đó một mắt, khi điều ước trở thành sự thực thì hãy vẽ nốt con mắt còn lại”.  Khi chủ nhân của Daruma đặt ra một mục tiêu nào đó, sẽ vẽ thêm lòng đen cho một bên mắt bằng bút lông. Đến cuối năm, khi đã hoàn thành mục tiêu, họ sẽ tô nốt bên mắt còn lại và mang Daruma lên chùa để đốt. Dù nguyện vọng chưa hoàn thành thì con búp bê cũ cũng vẫn được đốt đi, thay bằng một con Daruma mới và tiếp tục hành trình thực hiện ước mơ của chủ nhân.

Búp bê Daruma là một vật phẩm không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Nhật Bản. Người Nhật Bản thường đặt Daruma ở một vị trí vừa trang trọng vừa dễ thấy nhất như một cách để tự nhắc nhở mình nhớ đến mục tiêu đặt ra và phấn đấu hết sức để đạt được nó./.

DƯƠNG DƯƠNG