Phe Dân chủ đã lường trước được bầu không khí không mấy dễ chịu một khi họ đánh mất đa số ghế vào tay các thành viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong bối cảnh người dân Mỹ đang suy giảm niềm tin vào hiệu quả cũng như phương thức điều hành của chính quyền đương nhiệm trên cả 3 lĩnh vực: Đối ngoại, kinh tế và phòng, chống đại dịch Covid-19.
Về đối ngoại, quyết định của Tổng thống Biden rút quân khỏi chiến trường Afghanistan khiến lực lượng Taliban quay lại thống trị đất nước Nam Á này cũng như những bế tắc trong việc giải quyết các xung đột với Nga về vấn đề Ukraine, cùng không ít các chính sách đối ngoại kém hiệu quả khác đã khiến cử tri Mỹ ngày càng thất vọng.
Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Biden đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong gần 4 thập kỷ. Hôm 12-1, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 của Mỹ là 7%. Giá cả tăng cao, kéo chi phí sinh hoạt hộ gia đình tăng theo. Mức tăng đột biến mà người Mỹ có thể cảm nhận được rõ nét nhất là giá nhà ở, xe hơi, quần áo và thực phẩm. Tình trạng khan hiếm thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu đã trở nên phổ biến và ngày càng trầm trọng trên toàn nước Mỹ.
 |
Nhiều kệ hàng trống trong một siêu thị ở Washington. Mỹ đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục và tình trạng khan hiếm thực phẩm. Ảnh: Reuters. |
Còn trong phòng, chống đại dịch, nước Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca mắc Covid-19 hằng ngày cao kỷ lục. Các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 của chính quyền Mỹ dường như không phát huy hiệu quả trước làn sóng lây nhiễm nhanh chóng của biến thể Omicron.
Trong bối cảnh đó, ngày 13-1, Tòa án Tối cao Mỹ đã đình chỉ kế hoạch tiêm chủng-xét nghiệm toàn diện của chính quyền Biden áp đặt đối với các nhà tuyển dụng lớn. Tất nhiên, thất bại này không làm Tổng thống Biden chùn bước khi tuyên bố “quyết định của tòa án không ngăn cản tôi sử dụng tiếng nói của mình với tư cách là tổng thống để vận động các nhà tuyển dụng làm điều đúng đắn để bảo vệ sức khỏe và nền kinh tế Mỹ”. Song trên thực tế, những thất bại trong nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19 của Tổng thống Biden đã làm xói mòn niềm tin của người dân Mỹ.
Trong một nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn kinh doanh KPMG, 71% người tiêu dùng Mỹ lo lắng về tình trạng khan hiếm thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và bày tỏ sự bất mãn với cách điều hành của chính phủ. Còn theo Reuters, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden sụt giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch tiếp tục hoành hành, lạm phát tăng cao và phần lớn các lời hứa tranh cử của ông chưa được thực hiện.
Kết quả khảo sát của Đại học Quinnipiac, Mỹ công bố ngày 12-1 cho thấy, tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Biden là 33%, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 53%. Khi ông Biden mới nhậm chức, tỷ lệ ủng hộ ông đạt 56%, cao hơn mức tín nhiệm trong suốt 4 năm cầm quyền của người tiền nhiệm Donald Trump.
Các nhà lập pháp và chiến lược gia của Đảng Dân chủ còn lo ngại trước dư luận cho rằng, Đảng Dân chủ cầm quyền đã không thực hiện được lời hứa của Tổng thống Biden là hàn gắn lại một nước Mỹ bị rạn nứt. “Tôi nghĩ hàng triệu người Mỹ đã trở nên mất tinh thần, họ đang hỏi Đảng Dân chủ đại diện cho điều gì?... Rõ ràng, chiến lược hiện tại đang thất bại và chúng tôi cần một sự điều chỉnh”, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, phụ trách Ủy ban Ngân sách Thượng viện cho hay. Còn Tim Ryan, một đảng viên Đảng Dân chủ bang Ohio cho biết, đảng cầm quyền đã không giải quyết được những lo lắng của cử tri về việc đóng cửa trường học, về đại dịch và về an ninh kinh tế.
Dường như ông Biden đang trải qua một trong những tuần tồi tệ nhất của nhiệm kỳ tổng thống, với việc phải đối mặt với thất bại khi luật về quyền biểu quyết không được thông qua, chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 áp đặt đối với các nhà tuyển dụng lớn cũng bị đình lại. Trong khi đó, ưu tiên trong nước hàng đầu của Tổng thống Biden-kế hoạch chi tiêu 2,2 nghìn tỷ USD, chính sách thuế và khí hậu-vẫn bị đình trệ, không chỉ bởi vấp phải sự phản đối từ phía các đảng viên Cộng hòa đối lập mà còn từ chính các thành viên Đảng Dân chủ.
Đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Biden hiện giữ 221 ghế so với 213 ghế của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Còn ở Thượng viện, hai đảng đang chia đều số ghế. Tháng 11-2022, cử tri Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu lại toàn bộ số ghế trong Hạ viện và 1/3 số ghế trong Thượng viện.
Và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trên chính trường Mỹ nếu Tổng thống Biden không đưa ra được những quyết sách đúng đắn để giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài, cũng như củng cố lại niềm tin của cử tri và tạo dựng sự đoàn kết trong nội bộ đảng cầm quyền. Đây hẳn là thách thức không nhỏ cho vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
PHƯƠNG THẢO