Cuộc đàm phán diễn ra trong khuôn khổ đối thoại ổn định chiến lược giữa hai nước. Dẫn đầu phái đoàn Nga là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin; trưởng phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman. Nội dung đàm phán chủ yếu xoay quanh tình hình căng thẳng giữa Nga với Mỹ và các đồng minh về vấn đề Ukraine.
Tại cuộc đàm phán, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov yêu cầu những bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc, trong đó yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không mở rộng các hoạt động quân sự sang phía Đông và không kết nạp Ukraine vào liên minh này. Đối với Nga, đây là một “lằn ranh đỏ”. Tuy nhiên, người đồng cấp Mỹ Sherman đã thẳng thừng bác bỏ khi gọi đây là những đòi hỏi không thực tế.
 |
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (bên trái) và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov tại Geneva. Ảnh: Sputnik. |
Phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc đàm phán, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov đánh giá, cuộc đàm phán đã diễn ra với tinh thần chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ông Ryabkov cho rằng, hai bên vẫn cần một sự đột phá cũng như những nhượng bộ. Theo ông Ryabkov, Nga vẫn chưa nhận thấy “sự thấu hiểu từ phía Mỹ về mức độ cấp bách của tình hình”.
Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh, có cơ sở cho thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, song Washington không nên đánh giá thấp nguy cơ xảy ra đối đầu giữa hai bên. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng thừa nhận hai bên còn rất “vênh” nhau trong một loạt vấn đề. Ông Ryabkov nhận định, tiến trình đàm phán với Mỹ về chủ đề bảo đảm an ninh là rất khó khăn, nếu không có đột phá và nhượng bộ thì hai bên không thể vượt qua những vấn đề gai góc.
Về phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Sherman cho biết, Washington đã thể hiện lập trường cứng rắn trong đàm phán an ninh với Nga tại Geneva khi phản bác những đề xuất an ninh của Moscow. Theo bà Sherman, hai bên đã thảo luận những biện pháp “có đi có lại” nhằm giảm căng thẳng liên quan đến vấn đề triển khai tên lửa và số lượng những cuộc tập trận được Moscow đưa ra trong các đề xuất bảo đảm an ninh. Washington cũng đưa ra cảnh báo về những hậu quả nặng nề nếu Nga tấn công Ukraine.
Trong những năm gần đây, quan hệ Nga-Mỹ trải qua nhiều sóng gió liên quan đến hàng loạt vấn đề. Dù còn nhiều khúc mắc song hai nước đều phát đi tín hiệu bày tỏ mong muốn hợp tác và đối thoại, nhằm ứng phó với các thách thức chung trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường. Cả Nga và Mỹ đều hiểu rõ hậu quả của một cuộc xung đột và không muốn căng thẳng leo thang.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Geneva hồi tháng 6-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí tiến hành cuộc đối thoại về ổn định chiến lược song phương với sự tham gia của các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự hai nước, nhằm đặt nền móng cho các biện pháp giảm nguy cơ và kiểm soát vũ khí trong tương lai.
Đàm phán bảo đảm an ninh Nga-Mỹ được triển khai sau khi xuất hiện leo thang đối đầu, căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong thời gian gần đây. Mỹ và các đồng minh châu Âu lo ngại Moscow có kế hoạch đưa quân can thiệp ở Ukraine. Trong khi đó, Điện Kremlin luôn lên tiếng bác bỏ điều này.
Đánh giá về đàm phán an ninh Nga-Mỹ, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố, LHQ vẫn đang nghiên cứu kết quả của cuộc đàm phán này, đồng thời hoan nghênh nỗ lực triển khai những cuộc thảo luận ở cấp cao như vậy. Ông Dujarric nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn hoan nghênh đối thoại ở cấp cao, đặc biệt là giữa hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ”.
Mặc dù không đạt được tiến triển nhưng đàm phán về bảo đảm an ninh lần này đã giúp Nga và Mỹ hiểu hơn về mong muốn của nhau, từ đó mở ra cơ hội cải thiện quan hệ song phương trong tương lai.
LÂM ANH