Lào hiện nay, không còn tồn tại việc “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, hoặc đến tận ngày cưới, người vợ, người chồng mới được biết mặt nhau. Các cặp đôi đã có thời gian quen biết và yêu nhau trước khi hai gia đình bàn chuyện kết hôn.

Ở Việt Nam, thường sau khi kết hôn, nếu không ở riêng thì cô dâu sẽ theo chú rể về nhà chồng sinh sống. Còn ở Lào thì ngược lại, chú rể sẽ “theo” cô dâu về nhà vợ - tục "Gửi rể" hoặc là họ sẽ ra ở riêng.

Lễ cưới của người Lào gồm có 3 nghi lễ chính là Ngan mẳn (Lễ ăn hỏi), Ngan vi va (Đám cưới) và có Thạp tham (Lại mặt).

leftcenterrightdel

 Đám cưới của người Lào hiện nay vẫn theo phong tục tập quán từ xa xưa.

Trước khi tổ chức đám cưới, “nhà trai” sẽ nhờ người đại diện đến “nhà gái” thông tin về ý định cho đôi bạn trẻ kết hôn. Tuy chuyện hôn nhân đã có phần cởi mở hơn, nhưng những thiếu nữ Lào vẫn giữ những nét e lệ khi được hỏi cưới.

Lễ ăn hỏi của người Lào cũng có phần giống Lễ ăn hỏi của người Việt Nam. Lễ vật ăn hỏi của người Lào gọi là Khả đoong (Thách cưới). Lễ vật ăn hỏi có thể linh động thương lượng được tùy thuộc vào hoàn cảnh hai bên gia đình nhưng bắt buộc phải có. Ở thành thị, lễ vật thách cưới thường là bằng tiền và vàng. Còn ở nông thôn thì còn có cả trâu, bò, ruộng đất. Lễ vật thách cưới sẽ được công bố trong hôn lễ chính thức.

Theo quan niệm của người Lào, đám cưới vào những tháng chẵn sẽ tốt, trong đó, tốt nhất là vào tháng 6 vì đó là mùa Boun Bangphay - lễ cầu mưa. Và thời điểm tháng 6 vẫn là thời điểm nông nhàn, bước sang tháng 7 người dân sẽ bận việc đồng áng và đến tháng 8 là tháng kiêng cữ ăn chay, kiêng chuyện cưới xin.

Người Lào thường chọn ngày cưới là 15 ngày trước khi trăng tròn với ngụ ý duyên phận vợ chồng sẽ ngày càng gắn bó, thắm thiết, càng sáng tỏ, đẹp như trăng.

Ở Việt Nam, trong lễ cưới thường có tục “Đón dâu”, còn ở Lào thì có tục “Rước rể”. Lễ cưới của người Lào bao gồm: “Sù khoắn”, “Ba sỉ Sù khoẳn” và “Phục khẻn” (buộc chỉ cổ tay).

“Sù khoắn” là danh xưng phổ thông để chỉ nghi thức tín ngưỡng cầu vía trong lễ cưới của người Lào. Người Lào quan niệm vía vốn phiêu lãng chỉ muốn rời khỏi xác, cho nên cần cầu vía.

“Ba sỉ Sù khoẳn” là biệt từ chỉ lễ “Sù khoắn” trong hoàng gia, danh gia vọng tộc hay trong giới trưởng giả phú quý.

Lễ “Sù khoắn” gồm có các ô (gáo dừa) và khán (cái mâm hoặc cái cơi) được chồng lên nhau, trong mỗi ô và khán cắm nhiều ống hoa làm bằng lá chuối phủ đầy hoa chăm pa và hoa đok đao hương (cúc vạn thọ).

Theo phong tục, trong lễ cưới, họ hàng sẽ giúp nhau chuẩn bị cho lễ cưới như: Đồ ăn, gạo, các loại rau củ, rượu trắng, đặc biệt các món đã chế biến sẵn từ trái cây, trâu, gà, bò, trứng....

Chú rể sẽ nhận tiền, vàng bạc, của hồi môn. Cô dâu sẽ đảm nhiệm các công việc như chuẩn bị giỏ, nến, bông để buộc tay và có người thân giúp chuẩn bị đồ ăn cho đám cưới.

leftcenterrightdel
  Mâm lễ chào vía (mâm Pha-khoắn) được cắm nhiều hoa theo phong tục Lào.

Trong đám cưới theo phong tục Lào, có tất cả ba lễ “Sù khoắn”: Lễ thứ nhất là do gia đình nhà chú rể tổ chức riêng cho chú rể; lễ thứ hai là do gia đình nhà cô dâu tổ chức riêng cho cô dâu và lễ thứ ba là do hai gia đình cùng tổ chức cho cả cô dâu và chú rể.

Bài kinh cầu trong buổi lễ thứ nhất và thứ hai có nội dung nhắc nhở cô dâu, chú rể về công đức sinh thành của cha mẹ… Bài kinh trong buổi lễ thứ ba có nội dung nhắc nhở về tình nghĩa vợ chồng, bổn phận dâu, rể. Trước mâm Pha khoắn, chú rể sẽ ngồi bên phải, cô dâu ngồi bên trái.

Cuối cùng là Lễ Rước rể. Đến giờ lành, đoàn rước rể của nhà trai (yêu cầu không phải là người góa bụa hoặc đã ly hôn), sẽ mang những lễ vật đã được hai bên thỏa thuận đến nhà gái. Hai mâm “Pha khoắn” đã được mang đến nhà gái từ trước. Đoàn rước rể sẽ bước vào nhà gái trong tiếng reo hò vui vẻ hòa cùng âm thanh của các nhạc cụ truyền thống Lào như để báo tin vui cùng trời đất và xóm làng.

Trước khi được phép vào nhà cô dâu, đoàn rước rể phải trải qua các “cửa ải” giăng dây, chặn cổng, đối đáp....

Trước khi bước lên cầu thang, vì người Lào thường ở nhà sàn, nên chú rể phải đặt hai chân lên một miếng đá có phủ lá chuối tươi do gia đình cô dâu chuẩn bị sẵn, một người em hay một người bà con (trai hoặc gái đều được) của cô dâu sẽ mang tới một thau nước cùng một tấm khăn và rửa chân thật kỹ cho chú rể. Cô dâu phải thưởng tiền cho người làm việc này. Tục này có ngụ ý chú rể về ở nhà vợ với tấm thân trong sạch. Và chính cô dâu là người đứng ra nhận lễ thách cưới của mình.

Sau lễ “Sù khoắn” là đến các hoạt động vui tiệc và ca hát. Ngày nay, trong lễ cưới của người Lào còn có thêm tiết mục múa lăm-vông và thường kéo dài thâu đêm.

Ba ngày sau, chú rể đưa cô dâu về thăm cha mẹ ruột của mình (Lễ Lại mặt). Cô dâu và chú rể sẽ mang theo quà biếu cha mẹ và anh chị em trong gia đình nhà chồng. Và như thế, đôi vợ chồng mới chính thức là con cái trong cả hai gia đình.

Phaylin BOUNYANG 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.