The Guardian mới đây đã trích dẫn một kết quả nghiên cứu của tổ chức quốc tế Stop TB Partnership cho biết, số người được chẩn đoán và điều trị bệnh lao tại 9 trong số các quốc gia có nhiều ca bệnh lao nhất (chiếm 60% tổng số ca bệnh lao toàn cầu) đã giảm 16-41% (bình quân 23%) trong năm 2020, đồng thời trở lại mức tương đương của năm 2008.

“12 năm thành tựu trong cuộc chiến chống lại bệnh lao của thế giới, bao gồm cả việc giảm số người mắc bệnh không được chăm sóc, đã bị đảo ngược một cách đáng báo động bởi một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp độc hại khác (Covid-19)”, Giám đốc điều hành Stop TB Partnership Lucica Ditiu nhấn mạnh.

 Ảnh minh họa. Ảnh: Business Standard

Trong những thập niên gần đây, nhằm đối phó với bệnh lao, ngành y tế thế giới tập trung chủ yếu vào công tác chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị cho càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Tuy nhiên, theo bà Ditiu, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được triển khai rộng khắp trên toàn cầu để ngăn ngừa đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đáng kể đến các hệ thống kiểm soát bệnh lao. Vì vậy, số ca mắc bệnh lao có nguy cơ tăng vọt.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 24-3 hằng năm làm Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao và kêu gọi các nước cùng nỗ lực cho mục tiêu xóa sổ bệnh lao vào năm 2030. WHO ước tính, bệnh lao lây nhiễm cho khoảng 10 triệu người và cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu bệnh nhân mỗi năm, qua đó trở thành căn bệnh “chết chóc” nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Mặc dù bị đại dịch Covid-19 “soán ngôi” trong năm 2020, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong nhiều hơn so với dịch Covid-19 tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Bên cạnh đó, Stop TB Partnership cũng thống kê dữ liệu từ một số nước như Ấn Độ và Nam Phi cho thấy những người cùng mắc lao và Covid-19 có tỷ lệ tử vong cao gấp ba lần so với những người chỉ bị nhiễm lao. Từ đó, tổ chức này khuyến nghị các nước cần tiếp tục tăng cường theo dõi tiếp xúc, truy vết và xét nghiệm đồng thời cả bệnh lao và Covid-19.

NGÂN ANH