Mới đây, Giám đốc điều hành Facebook, Mác Du-cơ-bớc (Mark Zuckerberg), doanh nhân tỷ phú người Nga Y. Min-nơ (Yuri Milner) và nhà vật lý nổi tiếng X. Ho-kinh (Stephen Hawking) đã tuyên bố họ đang lắng nghe các tín hiệu đến từ Trái Đất thứ 2-Proxima b. Theo Daily Mail, "bộ ba huyền ảo" này đang tài trợ cho một dự án đầy tham vọng mang tên "Breakthrough Listen" trị giá 100 triệu USD. Dự án này sử dụng 2 kính thiên văn mạnh nhất thế giới để phát hiện các tín hiệu của sự sống từ hành tinh đá Proxima b, còn được gọi là Trái Đất 2.0. Hành tinh này chỉ cách Trái Đất 4 năm ánh sáng và được cho là có những điều kiện thích hợp cho sự sống.

Trước đó, vào tháng 8-2016, các chuyên gia đã chính thức công bố bằng chứng về sự hiện diện của Proxima b-một hành tinh có bề mặt rắn với đầy đủ điều kiện duy trì sự sống. Quan trọng hơn, hành tinh này có quỹ đạo xoay quanh cận tinh Proxima Centauri-ngôi sao chỉ cách chúng ta 4 năm ánh sáng. Chậm nhất là đầu tháng 10-2016, đội ngũ dự án "Breakthrough Listen" sẽ bắt đầu xác định tín hiệu radio từ vũ trụ, sử dụng Đài thiên văn Parkes (Ô-xtrây-li-a). A. Xi-miên (Andrew Siemion), Giám đốc dự án SETI tại Berkeley (tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái Đất), cho biết: "Sẽ rất khó để đoán được cuộc tìm kiếm này kéo dài bao lâu nhưng chúng ta biết rằng, tất cả điều kiện cần để duy trì sự sống trên Trái Đất cũng có mặt ở mọi nơi trên vũ trụ".

leftcenterrightdel
Tỷ phú Ê. Mút-xcơ giới thiệu những bước tiến chinh phục không gian của tập đoàn của ông. Ảnh: Reuters.
Dự án "Breakthrough Listen" hiện đã thu thập dữ liệu từ các hệ sao khác bằng cách sử dụng Đài quan sát Green Bank (Vơ-gi-ni-a) và Đài quan sát thiên văn tự động Lick (Ca-li-phoóc-ni-a). Theo dự kiến, dự án này sẽ thu thập các dữ liệu trong vòng 10 năm từ các đài quan sát tối tân nhất trên thế giới.

Trong khi “bộ ba huyền ảo” còn đang tính tới cả phương án giáp mặt với người ngoài hành tinh thì ông chủ của SpaceX Ê. Mút-xcơ (Elon Musk) đã chính thức công bố các kế hoạch đầy tham vọng, thiết lập một thành phố trên sao Hỏa, đưa người lên đó... Tỷ phú cũng nhấn mạnh khả năng dùng hành tinh Đỏ làm bước đệm để khám phá những hành tinh khác. Không chỉ mong muốn đặt chân lên sao Hỏa, Mút-xcơ còn quan tâm tới việc xây dựng những thành phố tại đây để cứu loài người.

Để thực hiện kế hoạch chinh phục sao Hỏa, thương nhân gốc Nam Phi tập trung vào tên lửa tái sử dụng, tàu vũ trụ có thể tiếp nhiên liệu nhiều lần trên quỹ đạo và sản xuất chất nổ đẩy ngay trên hành tinh này. Để có thể giảm giá vé “một chiều” cho chuyến đi lên sao Hỏa nằm trong tầm trả tiền của số đông (100.000-200.000USD/vé), ông cũng thừa nhận phải chế tạo được các thiết bị có thể tái sử dụng nhiều lần như tên lửa đẩy phải dùng được 1.000 lần, tàu con thoi đi về nhiều tháng trong chặng đường chinh phục sao Hỏa phải sử dụng lại được 12 lần và tàu con thoi tiếp nhiên liệu phải xài lại được 100 lần.

Nếu bỏ qua yếu tố con người (người dám trả tiền cho chuyến đi một chiều nguy hiểm này, sức chịu đựng trên chuyến đi dài mà bản thân nhà tổ chức cũng không đủ sức đánh giá được các hiểm nguy, cuộc sống tương lai của những “công dân liên hành tinh”...) thì chỉ riêng phần kỹ thuật cũng khiến người nghe đặt ra quá nhiều câu hỏi. Tỷ phú Mút-xcơ cũng nêu ra vài giải pháp mà bản thân ông có vẻ cũng còn mơ hồ và chỉ tin rằng qua thời gian, các tiến bộ khoa học sẽ giúp đạt được như tự tạo nhiên liệu ngay từ sao Hỏa, hệ thống tàu tiếp nhiên liệu ngay trên không gian (kiểu ráp nối như đã thực hiện với máy bay đường xa)... Tất cả chỉ là ở thì tương lai nhưng ông Mút-xcơ bày tỏ hy vọng có thể giúp nhân loại đặt bước chân đầu tiên lên sao Hỏa vào năm 2024-2025 và sẽ tạo ra một cộng đồng đông đến 1 triệu người trên đó.

Suốt hàng thập kỷ qua, con người đã lao vào cuộc đua tìm sự sống ngoài Trái Đất. Mặc dù các bằng chứng cụ thể về sự sống ngoài hành tinh vẫn còn khá mơ hồ và chưa được khẳng định nhưng con người vẫn luôn kỳ vọng và bắt đầu hành trình khám phá trên những con tàu du hành vũ trụ. Những kỳ vọng đó không phải không có cơ sở.

Mới đây, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chính thức công bố những phát hiện chấn động từ các hình ảnh chụp được trên mặt trăng Europa của sao Mộc, cho thấy tiềm ẩn dấu hiệu sự sống ở đây. Theo đó, các nhà khoa học của NASA đã phát hiện một luồng hơi nước bốc lên từ bề mặt mặt trăng Europa. Mặt trăng Europa của sao Mộc có đường kính khoảng 3.057km, nhỏ hơn Mặt trăng của Trái Đất. Vật thể 4,5 tỷ năm tuổi này có bề mặt đóng băng. Các nhà khoa học từ lâu suy đoán có thể có đại dương ở đây. Việc tìm thấy luồng hơi nước là một phát hiện quan trọng, đồng nghĩa với việc có thể khám phá ra đại dương trên Europa và tìm kiếm các hóa chất hữu cơ, thậm chí là dấu hiệu của sự sống bắt nguồn từ đó mà không cần đào sâu vào lớp băng.

Trước đó, Trung Quốc đã chính thức vận hành kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới FAST nhằm tìm kiếm sóng hấp dẫn, nhận biết tín hiệu phát ra từ các ngôi sao, thiên hà cũng như dò tìm sự sống ngoài hành tinh. Đài CCTV cho biết, trong lần thử nghiệm gần đây, FAST đã nhận được tín hiệu vô tuyến từ một ẩn tinh cách Trái Đất 1.351 năm ánh sáng.

Theo AP, Bắc Kinh đã đổ hàng tỷ USD vào những dự án khoa học đầy tham vọng như vậy, bên cạnh chương trình không gian được quân đội hậu thuẫn. Hồi đầu tháng 9, Bắc Kinh đã cho phóng Trạm không gian Thiên Cung 2, hướng đến mục tiêu tiến hành sứ mệnh lên sao Hỏa trong tương lai.

Trở lại với dự án "Breakthrough Listen" của “bộ ba huyền ảo”, giáo sư vật lý Ho-kinh hoàn toàn tin tưởng vào dự án này. Ông chia sẻ: "Khi nhìn lên các vì sao, tôi luôn tưởng tượng có người cũng đang nhìn lại chúng ta. Càng lớn, tôi càng bị thuyết phục bởi ý tưởng chúng ta không cô độc trong vũ trụ".

NGỌC HÀ