Cách đây gần ba năm, trong bài phát biểu nhậm chức Thủ tướng, bà Theresa May tuyên bố sẽ sớm hoàn thành ý nguyện của người dân là đưa Anh ra khỏi EU một cách thuận lợi và có lợi nhất cho đất nước. Không có nghi ngờ nào trước phát biểu lạc quan trên bởi có tới 52% cử tri Anh đồng lòng nói “không” với EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016. Khi đó, ai cũng nghĩ, “ra đi” là “thoát khỏi sự kìm kẹp của EU” và cuộc sống chắc chắn dễ thở hơn.

Thế nhưng, tiến trình Brexit lại không khoác chiếc áo màu hồng. Hơn hai năm với hàng trăm cuộc đàm phán lớn nhỏ, khó khăn lắm chính phủ của Thủ tướng Theresa May và EU mới đạt được bản thỏa thuận Brexit vào ngày 25-11-2018. Còn chưa kịp ăn mừng “chiến thắng nhỏ” trên “bàn đàm phán lớn” với EU, nữ Thủ tướng phải bước luôn vào cuộc chiến mới ngay trong nội bộ nước Anh. Ba lần trình thỏa thuận Brexit ra quốc hội đều bị bác bỏ, thậm chí những người thân tín trong Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng lần lượt từ chức để phản đối thỏa thuận… khiến bà Theresa May ngày càng cô độc trong chính ngôi nhà của Đảng Bảo thủ. Một sự cay đắng và bất lực khi những nỗ lực không mệt mỏi của bà chỉ đổi lại bằng những cái lắc đầu bất hợp tác từ cả đối thủ lẫn đồng minh.

Những thất bại nặng nề trên là nguyên nhân trực tiếp khiến bà May phải tuyên bố “ra đi” trong nước mắt.

Bà Theresa May ra đi để lại ngổn ngang những câu hỏi liệu tiến trình Brexit giờ đây sẽ đi theo ngả nào? Câu hỏi này chỉ có thể được giải đáp khi nước Anh tìm ra nhà lãnh đạo mới, nhanh nhất cũng phải sang nửa đầu tháng 7. Người kế nhiệm của bà Theresa May sẽ tiếp tục gánh vác sứ mệnh cũ, đó là tìm cách vượt qua sự chia rẽ và bế tắc hiện nay tại quốc hội về các điều khoản nhằm đưa nước Anh rời khỏi EU. Có điều, nhà lãnh đạo mới của Anh còn rất ít thời gian để đàm phán lại các điều khoản Brexit với EU và thông qua thỏa thuận mới tại Hạ viện. Bởi lẽ, theo quy trình hiện tại, quốc hội sẽ nghỉ hè vào nửa cuối tháng 7 và chỉ họp lại vào tháng 9, với kỳ làm việc ngắn kéo dài hai tuần trước khi tạm nghỉ tiếp để các đảng phái tổ chức đại hội thường niên. Quốc hội Anh sẽ chỉ họp trở lại vào ngày 7-10, tức là đúng 10 ngày trước khi các nhà lãnh đạo EU tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để đánh giá tiến trình Brexit. 

Cho đến nay, Thủ tướng Anh tương lai đang đứng trước ba kịch bản “không cũ cũng chẳng mới”. Đó là đưa nước Anh ra khỏi EU có thỏa thuận đúng như tiến trình mà bà Theresa May từng theo đuổi. Kịch bản này chắc chắn không xảy ra, bởi không nhà lãnh đạo nào muốn “đi theo vết xe đổ” của người tiền nhiệm.

Trong kịch bản thứ hai, nước Anh sẽ tiếp tục đàm phán với EU để đạt được Brexit có thỏa thuận. Đây là điều cũng rất khó khăn khi EU khẳng định không đàm phán lại với London. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Anh không còn đường lùi, khả năng EU “mở con đường mới” cho London vẫn là một hy vọng mong manh.

Nếu như tia hy vọng cuối cùng không lóe lên, Anh buộc chấp nhận kịch bản Brexit không có thỏa thuận vào ngày 31-10 tới, bỏ lại sau lưng toàn bộ nỗ lực mà bà May và chính phủ dành bao công sức để đàm phán với EU. Brexit không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc biên giới “cứng” sẽ được thiết lập tại Ireland. Đó có thể là thảm họa, làm khơi gợi quá khứ căng thẳng giữa Ireland và Bắc Ireland trước đây.

Dù kịch bản nào xảy ra, điều không ai mong muốn là có thêm những giọt lệ rơi vì Brexit. Vị thuyền trưởng tương lai của nước Anh cần có bản lĩnh, đủ khả năng đứng mũi chịu sào, đưa con thuyền Brexit vượt qua những bãi đá ngầm để đến chân trời mới với nhiều niềm vui và tiếng cười.

LINH OANH