Một năm trước, Liên minh châu Âu (EU) đã phải chi khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày để trả các hóa đơn về khí đốt, dầu mỏ và than đá nhập khẩu từ Nga. Hiện nay, EU chỉ còn phải trả một phần rất nhỏ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, châu Âu đã dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. “Quá trình này diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với chúng tôi dự đoán”, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh.

Quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu được thúc đẩy một phần bởi sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo. Tại châu Âu, các dự án điện mặt trời và sản xuất pin lưu trữ điện được triển khai nhanh chóng, giúp tăng công suất năng lượng sạch và thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch.

leftcenterrightdel
Trang trại năng lượng mặt trời tại đập Alqueva ở Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters 

Theo tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về năng lượng sạch BloombergNEF (BNEF), công suất năng lượng mặt trời trên khắp châu Âu đạt mức 40GW vào năm 2022, tăng 35% so với năm 2021. Bước nhảy vọt đó chủ yếu được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng coi các tấm pin mặt trời giá rẻ như một giải pháp để cắt giảm hóa đơn năng lượng của họ. Bà Jenny Chase, nhà phân tích của BNEF cho biết, việc gia tăng sử dụng năng lượng mặt trời xuất phát từ chính sách ưu đãi mới của EU.

Việc tăng tốc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập pháp EU trong nỗ lực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. EU đã đặt mục tiêu giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính của khối vào năm 2030 so với năm 1990.

Dù vậy, việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo không đủ để thay thế dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga một cách nhanh chóng. Trong nhiều năm, EU dựa vào nguồn khí đốt giá rẻ vận chuyển qua đường ống từ Nga. Sau khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, mọi chuyện đã thay đổi. Nga đã cắt giảm lượng nhiên liệu cung cấp cho châu Âu để đáp trả các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Đến cuối năm 2022, khí đốt của Nga vận chuyển đến châu Âu giảm 75% so với năm trước đó.

Đối mặt với nỗi lo thiếu hụt năng lượng, châu Âu tìm đến khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông để thay thế khí đốt qua đường ống của Nga. Năm ngoái, EU đã tăng mua LNG từ Mỹ và Qatar. Động thái này khiến lượng nhập khẩu LNG của khối tăng gấp đôi so với năm 2021. Nhà phân tích Arun Toora tại BNEF cho biết: “Ban đầu khi xung đột nổ ra, tôi rất bi quan và không biết thị trường sẽ xoay xở thế nào nếu không có khí đốt của Nga. Nhưng châu Âu đã vượt qua bằng cách tận dụng mọi lô hàng LNG giao ngay trên thị trường”.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ lớn nhất cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu đến từ nỗ lực giảm nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Khi giá khí đốt tăng vọt, một số ngành công nghiệp như sản xuất phân bón đã cắt giảm công suất, trong khi các ngành khác tìm giải pháp thay thế khí đốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ. Điều đó khiến mức tiêu thụ khí đốt của các ngành công nghiệp ở châu Âu trong năm 2022 giảm 18% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, doanh số bán máy bơm nhiệt tăng nhanh ở hầu hết các nước châu Âu, từ Thụy Điển đến Ba Lan. Theo dữ liệu của Bloomberg, doanh số bán máy bơm nhiệt trên toàn châu Âu đã tăng 38% so với năm 2021. Máy bơm nhiệt thân thiện với môi trường và cần ít năng lượng khi sử dụng. Do đó, loại máy này được nhiều người dân trong khu vực ưa chuộng.

Mùa thu năm ngoái, các dự báo đều chỉ ra rằng nền kinh tế châu Âu sẽ không tránh khỏi cơn suy thoái do chi phí năng lượng tăng cao. Giờ đây, các nhà kinh tế EU kỳ vọng nền kinh tế của khối sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm nay khi cuộc khủng hoảng năng lượng có dấu hiệu lắng dịu. Trong một thông báo, EC nhấn mạnh: “Một năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nền kinh tế châu Âu đang trên đà phát triển tốt hơn dự đoán. Thị trường năng lượng đang có những diễn biến thuận lợi”.

LÂM ANH