Sáng 22-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập cuộc họp an ninh quốc gia để thảo luận về phần mềm gián điệp Pegasus sau khi xuất hiện nhiều thông tin về việc phần mềm này được sử dụng tại Pháp. Tại cuộc họp, các chuyên gia an ninh đã dẫn thông tin của Tổ chức báo chí phi lợi nhuận Forbidden Stories cho biết, tổ chức này đã phát hiện các số điện thoại bị theo dõi nhưng không thể phân tích kỹ thuật liên quan đến số điện thoại của Tổng thống Macron để xác định liệu ông có bị ảnh hưởng của phần mềm gián điệp này hay không. Theo người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Pháp, nếu đúng là Tổng thống Macron bị nghe lén, việc này rất nghiêm trọng. Chính quyền Pháp sẽ điều tra để làm sáng tỏ tất cả thông tin trên. "Tổng thống đang theo dõi sát sao và coi đó là một vấn đề hết sức nghiêm trọng", người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal bổ sung. Ông Gabriel Attal cho hay, các quy trình an ninh bảo vệ tổng thống đã được điều chỉnh sau vụ việc. Tổng thống Macron cũng đã đổi cả điện thoại lẫn số điện thoại.

Ảnh minh họa / Getty. 

Pegasus là phần mềm có khả năng xâm nhập vào các điện thoại thông minh (smartphone), cho phép trích xuất tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử (email), ghi âm các cuộc gọi và bí mật kích hoạt micro. Pegasus do Công ty phát triển phần mềm gián điệp NSO hàng đầu ở Israel sản xuất. Theo Le Monde, không chỉ Tổng thống Pháp, số điện thoại của Quốc vương Morocco Mohammed VI và nhiều thành viên Hoàng gia Morocco như Hoàng hậu Lalla Salma Bennani, Hoàng tử Moulay Hicham Alaoui cũng được cho là nằm trong danh sách trên. Forbidden Stories còn nêu chi tiết rằng, hơn 50.000 số điện thoại được xác định là các nhân vật được quan tâm từ năm 2016 đến tháng 6-2021 của các khách hàng Công ty NSO. Trong danh sách này, có số điện thoại di động của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, thành viên của các hoàng gia Arab, nhà ngoại giao, chính trị gia, cũng như những nhà hoạt động và giám đốc điều hành các công ty, các nhà báo của nhiều tổ chức truyền thông trên thế giới, như: AFP, Wall Street Journal, CNN, New York Times, Al-Jazeera, France 24, AP, Le Monde, Bloomberg, the Economist, Reuters... Tuy vậy, không phải tất cả những người nằm trong danh sách này sau đó đều bị tấn công mạng.

Các phát giác liên quan đến việc sử dụng phần mềm Pegasus để theo dõi những nhà chính trị và nhà báo ở nhiều nước đã để lộ ra một khoảng trống luật pháp quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ thông tin. “Việc này phải được kiểm tra, nếu có thực, đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố. Trong khi đó, Công ty NSO đã bác bỏ các cáo buộc nghe lén, đồng thời nhấn mạnh Pegasus được sử dụng để phòng ngừa tội phạm và chống khủng bố. NSO cũng khẳng định, sẽ không xác nhận danh tính của các khách hàng.

Bê bối mới liên quan đến phần mềm theo dõi Pegasus đã khiến cộng đồng quốc tế “dậy sóng”, trong đó chính phủ nhiều quốc gia có tên trong danh sách khách hàng và nhiều tờ báo. Tiếp theo Pháp, Chính phủ Algeria, Morocco, Hungary tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra để làm rõ chân tướng vụ việc. Trong khi đó, Mediapart và tuần báo trào phúng Le Canard Enchainé-hai cơ quan truyền thông Pháp là nạn nhân trực tiếp của vụ việc-tuyên bố sẽ khởi kiện tại Paris sau các điều tra khẳng định điện thoại của một số nhà báo của họ đã bị theo dõi. Theo nhận định của giới chuyên gia, các đơn kiện trên có thể sẽ vấp phải nhiều trở ngại bởi vấn đề liên quan đến các yếu tố nước ngoài. Dù được dự báo phải mất nhiều năm để các nhà điều tra thụ lý vụ việc, nhưng các tờ báo này tuyên bố sẵn sàng đi tới cùng cuộc chiến chống phần mềm gián điệp này.

PHƯƠNG VŨ