Nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến I-rắc, đòi rút quân về nước.

Ngày này (20-3) cách đây 5 năm, Mỹ đã mở cuộc tấn công I-rắc lật đổ chính quyền của ông X.Hút-xen, với cớ Bát-đa không hợp tác với LHQ giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) mà Mỹ cho rằng I-rắc đang có và ngăn chặn sự hủng hộ của Tổng thống I-rắc lúc đó là X.Hút-xen với lực lượng khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, đến nay WMD vẫn chưa được tìm thấy ở I-rắc. Và gần đây nhất, Lầu Năm Góc cũng đã công bố báo cáo thừa nhận ông X.Hút-xen không liên quan tới Al-Qaeda. Cuộc chiến I-rắc rõ ràng là bất hợp pháp cả về lý do lẫn khía cạnh pháp lý quốc tế. Vậy quan điểm của những nhân vật liên quan đến cuộc chiến này trước đây và hiện nay ra sao?

Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ

Tổng thống Mỹ nóicó 3 lý do để đi tới một cuộc chiến chống I-rắc. Đó là: Giải trừ WMD của nước này, chấm dứt sự ủng hộ của X.Hút-xen với khủng bố và giải thoát cho nhân dân I-rắc. Ba năm sau, Tổng thống Bu-sơ dường như đã sẵn sàng thừa nhận tình hình sa lầy ở I-rắc nhưng ông vẫn tiếp tục mô tả đó là chiến trường mới nhất trong cuộc chiến chống khủng bố. Bất chấp việc chính quyền thừa nhận sai lầm về mặt tình báo, Tổng thống Bu-sơ vẫn trước sau như một,bảo vệ quyết định tiến hành chiến tranh. Tháng 3-2008, ông Bu-sơ vẫn nói: "Quyết định lật đổ chính quyền của Tổng thống Hút-xen là quyết định đúng đắn trong thời gian đầu nắm quyền của tôi. Nó là quyết định đúng trong thời gian tôi làm tổng thống. Nó sẽ mãi là một quyết định đúng".

Ông C. Pao-oen

Cựu ngoại trưởng Mỹ đã đệ trình những bằng chứng chi tiết và gây tranh cãi để phát động cuộc chiến chống I-rắc tại LHQ vào tháng 2-2003. Ông Pao-oen đã đưa ra các bức ảnh vệ tinh, các đoạn đối thoại giữa quan chức I-rắc khi khẳng định chính quyền I-rắc che giấu WMD. Một năm sau đó, ông Pao-oen thừa nhận,một số thông tin về việc I-rắc có các phòng thí nghiệm di động để chế tạo vũ khí sinh học có vẻ "không vững chắc". Năm 2007, cựu ngoại trưởng này cho biết, ông đã cố khuyên can Tổng thống Bu-sơ không can thiệp vào I-rắc bằng quân sự. "Tôi đã cố tránh cuộc chiến này. Tôi đã nói với Tổng thống Bu-sơ về hậu quả của việc nàyđối vớimột quốc gia A-rập.

Cựu Thủ tướng Anh T. Ble

Quyết định ủng hộ chiến tranh với lý do đó là cách duy nhất để thoát khỏi vũ khí hủy diệt hàng loạt của I-rắc của cựu Thủ tướng Anh T.Ble đã định rõ thời kỳ ông nắm quyền. Sau này, ông Ble thừa nhận rằng những thông tin tình báo mà ông dựa vào đó để đi tới việc ủng hộ chiến tranh I-rắc là không đúng. Tuy nhiên, ông không xin lỗi. Năm 2006, nhân vật nổi tiếng này thừa nhận ông đã phải đấu tranh lương tâm về quyết định đi tới chiến tranh và ông sẽ được Chúa trời và lịch sử phán quyết.

Cựu TTK LHQ C. An-nan

Những tranh cãi về I-rắc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từng làm dấy lên nghi ngờ về vai trò của tổ chức này trong thế kỷ 21. Tổng thư ký C.An-nan kêu gọi thỏa hiệp và đoàn kết trong vô vọng. Tháng 9-2004, lần đầu tiên ông An-nan thừa nhận quyết định đi tới chiến tranh mà không có nghị quyết thứ 2 của LHQ là bất hợp pháp. “Tôi đã nói rằng theo quan điểm của chúng ta việc làm đó là không tuân thủ Hiến chương LHQ. Và theo quan điểm từ Hiến chương, việc làm đó là bất hợp pháp”. Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị lãnh đạo LHQ, cuối năm 2006, TTK LHQ C.An-nan lại một lần nữa chỉ trích hành độngđơn phương của Mỹ. Ông tuyên bố: "Không quốc gia nào có thể làm mình an toàn bằng cách áp đặt uy quyền lên những nước khác".

Ông H. Blích

Là lãnh đạo nhóm thanh sát vũ khí LHQ tại I-rắc, ông H.Blích, một người thực tế và điềm tĩnh, đã vô số lần kêu gọi trong vô vọng rằng cần thêm thời gian để kiểm tra xem I-rắc có WMD hay không. Sự tức giận của ông đã bùng nổ chỉ ngay sau khi các đợt không kích I-rắc bắt đầu. Trong một loạt cuộc tấn công nhằm vào Mỹ và Anh, ông Blích buộc tội hai nước này đã hoạch định chiến tranh kỹ càng từ trước khi kết quả công việc của ông được công bố,cườngđiệu hóa mối đe dọa từ WMD nhằm hợp pháp hóa chiến dịch của mình. Một năm sau, ông so sánh quan điểm của Mỹ trong việc truy tìm WMD với "truy tìm phù thủy" và nói Mỹ đã tạo ra "một sự hổ thẹn" về những sai sót tình báo. Năm 2007, ông Blích nói: "Tôi cho rằng tất cả mọi thứ ở I-rắc sau cuộc chiến là một thảm họa".

Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp

Đại sứ Nga tại LHQ là một trong những tiếng nói chính cho lập trường phản đối của Nga đối với đề xuất can thiệp bằng quân sự vào I-rắc của Mỹ. "Nga chưa bao giờ coi chiến tranh là công cụ đúng đắn để giải quyết vấn đề I-rắc", ông nói. Nga cùng với Pháp phản đối ý tưởng về một nghị quyết thứ hai của LHQ nhằm phê chuẩn việc sử dụng vũ lực với I-rắc. Trong một bài phát biểu vài ngày sau khi chiến tranh bùng nổ, ông La-vrốp gọi hành động quân sự là vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. 5 năm tiếp theo, với tư cách là Ngoại trưởng Nga, ông La-vrốp tiếp tục cho rằng cuộc xung đột đe dọa sự bình ổn của những nước láng giềng I-rắc lẫn cả khu vực. Ông La-vrốp tiếp tục kêu gọi các nước rút quân và quân đội I-rắc nên nhận trách nhiệm đảm bảo an ninh.

Ông Đ. Vi-lơ-panh

Cựu Ngoại trưởng Pháp Đ.Vi-lơ-panh đã dẫn dắt lập trường phản đối chiến tranh I-rắc của nước Pháp. Trong bài phát biểu tại HĐBA LHQ ngày 14-2-2003, ông Vi-lơ-panh đã mạnh mẽ bảo vệ tiến trình ngoại giao. "Chiến tranh có lẽ là cách nhanh nhất nhưng chúng ta đừng quên rằng sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến này chúng ta phải kiến tạo hòa bình". Giữ một vai trò nổi bật về chống chiến tranh I-rắc, nên ông Vi-lơ-panh được khá nhiều người dân Pháp ủng hộ và điều đó đã giúp ông lên tới chức Thủ tướng Pháp, nhiệm kỳ 2005-2007./.

ĐẶNG NGUYỄN

(tổng hợp qua báo chí nước ngoài)