Ngày 17-4, phát biểu cùng Ngoại trưởng Anh James Cleverly bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại thị trấn Karuizawa ở Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi các bên “chấm dứt bạo lực ngay lập tức”. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh “mối quan ngại sâu sắc chung về giao tranh, mối đe dọa đối với dân thường, đất nước Sudan và thậm chí có khả năng đối với khu vực”. Theo ông Blinken, vấn đề này đã được thảo luận với các đồng minh ở Trung Đông, châu Phi và các bên đều có quan điểm chung mạnh mẽ về sự cần thiết của việc bảo vệ dân thường. Ngoại trưởng Blinken cho biết thêm, Mỹ và Anh nhất trí về việc các bên xung đột ở Sudan cần phải ngừng bắn ngay lập tức và quay trở lại đàm phán.

leftcenterrightdel
 Khói bốc lên từ khu vực xảy ra giao tranh ở thủ đô Khartoum hôm 16-4. Ảnh: AFP

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên án giao tranh tại Sudan, đồng thời kêu gọi các bên lập tức ngừng giao tranh và trở lại đối thoại. Ông Guterres nhấn mạnh cam kết phối hợp với các lãnh đạo khu vực và các bên ở Sudan tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này; đề nghị “các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm nghĩa vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho tất cả các nhân viên và tài sản của LHQ”.

Bất đồng giữa quân đội Sudan và RSF đã âm ỉ từ nhiều tháng qua, làm ngăn cản bất kỳ giải pháp chính trị tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Những căng thẳng hiện tại giữa lực lượng quân đội và RSF bắt nguồn từ việc hai bên bất đồng về cách sáp nhập RSF vào lực lượng quân đội và đơn vị nào sẽ phụ trách giám sát quá trình này. Việc sáp nhập hai lực lượng này là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.

Ngày 15-4, trong một động thái bất ngờ, lực lượng quân đội Sudan đã tấn công chớp nhoáng và bao vây các doanh trại của RSF ở phía Nam thủ đô Khartoum. RSF cũng lập tức tấn công đáp trả. Mặc dù sau đó hai bên nhất trí thiết lập hành lang nhân đạo kéo dài 3 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 14 giờ, giờ GMT (tức 21 giờ, giờ Hà Nội) nhưng điều này không làm thay đổi tình hình. Trong suốt thời gian đó, tiếng súng không ngừng vang lên ở Khartoum.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu của nghiệp đoàn bác sĩ tại Sudan sáng 17-4 cho biết, các cuộc giao tranh trong những ngày qua đã làm ít nhất 97 dân thường thiệt mạng, trong đó có 3 nhân viên thuộc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ tại Bắc Darfur. Điều này khiến WFP tuyên bố tạm ngừng các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Sudan từ ngày 16-4. Trong khi đó, số người bị thương lên tới gần 600 người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo một số bệnh viện ở thủ đô Khartoum-nơi tiếp nhận dân thường bị thương trong giao tranh-sắp cạn kiệt nguồn cung máu, thiết bị truyền máu, dịch truyền và nhiều thiết bị cấp cứu khác.

Theo AFP, sau 3 ngày giao tranh, hiện không có thông tin chính xác lực lượng quân đội hay RSF đang kiểm soát khu vực nào. Trong khi RSF tuyên bố “kiểm soát hoàn toàn” dinh tổng thống-nơi ở của chỉ huy quân đội và sân bay quốc tế Khartoum-thì bộ chỉ huy của quân đội Sudan thông báo đã kiểm soát được căn cứ và trụ sở của RSF ở 7 khu vực trên toàn quốc. Ngoài ra, các đơn vị quân đội cũng chiếm được trại huấn luyện của RSF ở thành phố Omdurman.

Tình hình tại Sudan làm dấy lên lo ngại trong khu vực. Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới nước này. Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD, trong đó Sudan là thành viên) cùng cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng lên tiếng kêu gọi các bên tham chiến tại Sudan chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự và ưu tiên đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết của việc tránh đổ máu và bảo vệ cuộc sống của dân thường Sudan cũng như các công dân Ai Cập đang sinh sống, làm việc tại quốc gia Đông Phi này. Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định rằng một yêu cầu “bắt buộc” đối với cuộc khủng hoảng ở Sudan là không để bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài “làm trầm trọng thêm xung đột hoặc làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này”. Cairo hiện đang tổ chức các cuộc tham vấn với những bên liên quan cả trong và ngoài Sudan để xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay.

BÌNH NGUYÊN